Mãi giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc

Chính trị - Ngày đăng : 06:22, 18/11/2020

(HNM) - Cách đây tròn 90 năm, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng đã ban hành quyết định thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sự ra đời của tổ chức này khẳng định, Đảng và Bác Hồ luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nguồn sức mạnh, động lực to lớn để đưa cách mạng nước ta đến thắng lợi.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho các cán bộ mặt trận cơ sở tiêu biểu.

1. Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam là một quá trình hình thành, hoàn thiện và phát triển về lý luận, phong trào và tổ chức. Căn cứ vào nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn, Đảng đã sáng lập các hình thức tổ chức Mặt trận khác nhau. Dưới ngọn cờ của các tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất như: Hội Phản đế đồng minh, Phản đế liên minh, Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương, Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế, nhân dân ta đã đoàn kết tiến hành các phong trào đấu tranh cách mạng.

Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh ngày 19-5-1941 là bước trưởng thành vượt bậc của Mặt trận về cả đường lối, tổ chức và hoạt động, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sau ngày 2-9-1945 và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, Mặt trận các cấp đã có nhiều đóng góp xuất sắc vào củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng để giành những chiến thắng oanh liệt, từ Điện Biên Phủ đến Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ ngày 31-1 đến 4-2-1977, tại thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thành một Mặt trận Dân tộc thống nhất của cả nước, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống nhất ý chí của tất cả các tổ chức, giai tầng trong xã hội, cá nhân tiêu biểu của các dân tộc, tôn giáo luôn phấn đấu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Mục đích phấn đấu của Mặt trận Dân tộc thống nhất là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".

Trong thời kỳ đổi mới, với nguyên tắc lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, Mặt trận đã góp phần quan trọng để khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước.

Trong đó, Mặt trận đã tích cực vận động nhân dân phát huy dân chủ ở cơ sở, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; hiệp thương, lựa chọn các ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Thực hiện việc lắng nghe kiến nghị, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, chăm lo đời sống nhân dân… Các kết quả Mặt trận đạt được có ý nghĩa to lớn và quan trọng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2. Ngày nay, sự nghiệp đổi mới đất nước đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi đan xen với không ít thách thức. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế đạt được những thành quả to lớn, nhưng cũng có tác động tiêu cực đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các thế lực thù địch không ngừng chống phá, chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trước những đòi hỏi nêu trên, Mặt trận sẽ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ động tham gia hiệu quả công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hai là, bám sát thực tiễn đất nước, dự báo sát tình hình, chủ động phối hợp tốt với các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các địa phương giải quyết những thách thức, vấn đề mới phát sinh, nhất là từ cơ sở; lắng nghe, tiếp thu ý kiến xây dựng, phản biện tích cực của nhân dân để kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, thể hiện rõ vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Ba là, tiếp tục làm nòng cốt trong vận động, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, chăm lo người có công với đất nước, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Xây dựng nếp sống văn minh, phê phán những việc làm xấu, hành vi thiếu văn minh, trái với truyền thống văn hóa của dân tộc. Khích lệ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bốn là, triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, quy định về tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phối hợp giải quyết hiệu quả đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Lịch sử vẻ vang 90 năm của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam là một dòng chảy liên tục của chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết, được soi sáng và nâng lên một tầm cao, chiều sâu mới bởi chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đoàn kết trong tổ chức Mặt trận tạo nên những kỳ tích vĩ đại, làm rạng rỡ non sông. Đó là tiền đề để chúng ta chung sức, chung lòng viết tiếp những trang sử vàng từ một triết lý lịch sử: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

TRẦN THANH MẪN
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Trần Thanh Mẫn