Tăng sức hấp dẫn của bảo hiểm xã hội
Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 19/11/2020
Càng khó khăn, càng thấy rõ tính ưu việt
Là đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thay vì nhận tiền trợ cấp một lần, chị Nguyễn Lê Vân, ở tổ dân phố số 9, thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh) đăng ký khóa học nghề nấu ăn ngắn hạn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Tốt nghiệp vào tháng 8-2020, chị Vân mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ tại nhà. Việc kinh doanh diễn ra thuận lợi, giúp cuộc sống của chị và gia đình dần ổn định. Từ thực tế của bản thân, chị Vân khẳng định: “Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là điểm tựa an sinh của người lao động, nhất là khi họ gặp khó khăn”.
Khác với chị Vân, anh Đào Duy Thành, phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) là người được hưởng lợi từ chính sách bảo hiểm y tế. Anh Thành không may bị mắc bệnh nặng, liên tục phải nhập viện điều trị, chi phí rất tốn kém. “Tôi đã được bảo hiểm xã hội chi trả phí khám, chữa bệnh với số tiền hơn 580 triệu đồng. Nếu không có thẻ bảo hiểm y tế, không biết cuộc sống của tôi sẽ như thế nào”, anh Thành chia sẻ.
Ngoài những dẫn chứng nêu trên, thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có gần 140 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với tổng chi phí khám, chữa bệnh do các cơ sở y tế đề nghị quyết toán là hơn 80.000 tỷ đồng. Cũng trong khoảng thời gian này, cả nước đã giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng cho gần 110.000 lượt người, chế độ bảo hiểm xã hội một lần cho hơn 760.000 lượt người, chế độ ốm đau cho gần 6 triệu lượt người, chế độ thai sản cho hơn 1,5 triệu lượt người. “Tổng số tiền chi bảo hiểm xã hội là hơn 190.000 tỷ đồng, chi bảo hiểm thất nghiệp là gần 13.000 tỷ đồng”, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết.
Nỗ lực đưa chính sách vào đời sống
Tính ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội đã được khẳng định, song việc phát triển đối tượng tham gia chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số đơn vị, doanh nghiệp buộc phải cắt, giảm lao động hoặc không đủ khả năng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Bên cạnh đó, một số người chưa chú trọng đến việc trang bị "phao cứu sinh" thông qua việc tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện...
Tính đến hết ngày 31-10-2020, cả nước có hơn 14,78 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khoảng 13,03 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hơn 890.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Số người tham gia bảo hiểm y tế là hơn 86,2 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, từ nay đến cuối năm 2020, ngành Bảo hiểm xã hội cần phát triển thêm ít nhất 1,56 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, hơn 1,25 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, 1,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế…
Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu toàn ngành tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trên tinh thần đó, cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương tăng cường tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ hơn về tính ưu việt của chính sách và tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội. Ông Cấn Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Bảo hiểm xã hội huyện Thạch Thất cho hay, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến các hộ kinh doanh cá thể; đồng thời tuyên truyền về chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên. Kết quả, toàn huyện vận động được hơn 2.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng hơn 400 người so với cuối năm 2019. Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên đạt tỷ lệ bao phủ 99,4% (trung bình của thành phố Hà Nội là 96,7%).
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, từ nay đến cuối năm 2020, các cơ quan chức năng thành phố sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.
Còn theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa đề nghị Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tăng cường phối hợp để phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Phấn đấu đến cuối năm 2020, cả nước phát triển thêm ít nhất 400.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo đảm tốc độ tăng tối thiểu 30% so với năm 2019. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội ở các đơn vị nợ đóng bảo hiểm kéo dài, với số tiền lớn.