Du lịch Việt Nam: Báo động từ sự mất cân bằng
Du lịch - Ngày đăng : 09:43, 20/11/2020
Nghịch lý từ cơ cấu thị trường khách
Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cơ cấu thị trường khách nội địa và quốc tế của Việt Nam đã tồn tại một nghịch lý. Đó là khách nội địa mặc dù chiếm 82,5% tổng lượng khách nhưng doanh thu từ mảng này chỉ đạt 44,3% tổng thu; trong khi đó, khách quốc tế chỉ chiếm 17,5% nhưng doanh thu lại chiếm 55,7%.
Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường khách quốc tế đã khiến ngành Du lịch và nhiều doanh nghiệp lữ hành “lao đao” khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Việc dừng đón khách quốc tế từ tháng 3-2020 đã khiến 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải ngừng hoạt động. Công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, các khu du lịch chỉ đạt khoảng 10-15%. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc.
Ngoài ra, sự mất cân bằng còn thấy vào mùa cao điểm hoặc các dịp nghỉ lễ. Trong khi điểm du lịch tại nhiều địa phương “vắng như chùa Bà Đanh” thì tại Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Ninh... luôn quá tải. Tình trạng này gây không ít khó khăn cho cơ quan quản lý, tạo áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng, môi trường cảnh quan, môi trường du lịch cũng như việc bảo đảm thương hiệu, chất lượng dịch vụ du lịch quốc gia.
Trước thực tế trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng: “Trong bối cảnh này, ngành Du lịch Việt Nam cần nhìn lại sự phát triển của thị trường khách du lịch trong thời gian qua, đánh giá, tư duy lại về cách làm du lịch; xem xét cấu trúc phát triển hiện tại để chuẩn bị cho một giai đoạn tiếp theo, theo xu hướng và bối cảnh mới, bảo đảm sự phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam”.
Cơ cấu lại thị trường khách, tích cực chuyển đổi số
Trước bối cảnh đại dịch Covid - 19 chưa được kiểm soát trên thế giới, hoạt động du lịch quốc tế chưa được mở cửa trở lại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động chiến dịch kích cầu du lịch với sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và các địa phương. Qua hai lần phát động, chương trình đã thu hút đông đảo khách nội địa đến với các địa phương trong cả nước, góp phần vào sự phục hồi và duy trì sự ổn định của ngành.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng: “Theo dự đoán của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), thị trường khách quốc tế vào Việt Nam (inbound) được dự đoán sẽ trở lại đỉnh cao vào năm 2024. Với mốc thời gian đó, cần có những bước đi phù hợp về thị trường và sản phẩm để thu hút khách. Trước mắt, cần tập trung vào thị trường nội địa, sau đó là xây dựng các sản phẩm khác biệt, đặc biệt là xu hướng du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe”.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, cần có sự điều tra, nghiên cứu cẩn trọng để xây dựng những sản phẩm phù hợp, quan tâm đến đối tượng khách du lịch kết hợp hội nghị (MICE), nghỉ dưỡng, chữa bệnh bởi đây là nguồn khách có mức chi tiêu cao, thường quay trở lại nhiều lần và tạo ra sự phát triển bền vững.
Bên cạnh thị trường khách nội địa, việc cơ cấu lại nguồn khách quốc tế, xác định những thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng, tập trung khai thác các thị trường gần hoặc thị trường khách có mức chi trả cao, ít rủi ro như Đông Âu, Bắc Mỹ, châu Âu, Mỹ, Australia, Đông Nam Á... là quan điểm của nhiều doanh nghiệp.
Trong bối cảnh mới của du lịch Việt Nam, để có thị trường khách chất lượng cao, cần có một “bộ lọc” bằng công nghệ số nhằm mang tới những dự báo chính xác. Vì vậy, việc chuyển đổi công nghệ số là đòi hỏi cấp thiết.
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng: “Trước đây, khách hàng phải tìm thông tin thì nay thông tin sẽ tự tìm đến với khách hàng. Cần chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ để bắt kịp xu thế của thế giới”.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tích cực chuyển đổi số trong việc phát triển thị trường khách du lịch với các giải pháp như: Phối hợp với các hãng công nghệ lớn trên thế giới như Google, các đại lý du lịch trực tuyến, các hãng vận chuyển lớn trên thế giới để nghiên cứu thị trường và xây dựng cơ sở dữ liệu khách du lịch; triển khai nghiên cứu, xây dựng một số sản phẩm du lịch thông minh chủ lực trên cơ sở ứng dụng những công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn dạng số hóa (Big data), Internet vạn vật (IoT)...