Gánh gánh... gồng gồng...
Sách - Ngày đăng : 08:18, 20/11/2020
Khi ấy, Xuân Phượng không trả lời mẹ, bởi sự lựa chọn từ 43 năm trước đã được khẳng định rồi: “Tờ mờ sáng hôm sau, má tôi gạt nước mắt, từ từ bước lên chiếc xe kéo rời dốc Nam Giao. Dù rất thương mẹ, thương em, tôi đã chọn con đường tự nguyện đi vào hoạt động chống xâm lược Pháp”. Nhưng câu hỏi của mẹ cũng khiến Xuân Phượng suy nghĩ, để từ đó nảy ra ý định phải kể lại đời mình với mong muốn “gia đình thương yêu hiểu rõ thêm những gì tôi đã trải qua. Và cũng vì những người trẻ chưa hề biết đến chiến tranh, tôi quyết định viết lại đời tôi”.
Câu chuyện đời của đạo diễn Xuân Phượng khiến độc giả phải kinh ngạc và thán phục trước những khó khăn mà bà đã nỗ lực vượt qua bằng nghị lực phi thường và quyết tâm gắn bó đời mình với cách mạng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình dòng dõi của xứ Huế, cho đến năm 13 tuổi, Xuân Phượng như cô công chúa sống trong vòng tay của ba má ở Đà Lạt, không hề biết rằng ngoài đời có bao phận người khó khăn. Chỉ đến khi trở về Huế để học, khi ngày ngày phải tự giặt quần áo, tự chuẩn bị bữa cơm trưa mang đến trường... cô bé Phượng mới lờ mờ hình dung về sự sống quanh mình. Nhưng Xuân Phượng đã hòa nhập rất nhanh, thích ứng với cuộc sống khó khăn và háo hức, tự hào khi được nhận nhiệm vụ liên lạc bí mật đầu tiên.
Từ bỏ chăn ấm nệm êm mà chọn cuộc đời “ngủ giữa trời lạnh, gối đầu lên đường ray xe lửa, những viên sỏi giữa đường ray chích vào lưng”; từ bỏ những bữa ăn sang trọng, có người phục vụ để đổi lấy “mỗi ngày hai nắm cơm, một chai nước, thật chẳng thấm vào đâu”; chưa kể những “cuộc trường chinh” bằng đôi chân trần đạp lên đá nhọn “đau đến nỗi nhiều lúc vừa đi vừa thét”...
Ở độ tuổi còn rất trẻ như Xuân Phượng ngày ấy, có người đã không thể tiếp tục với lựa chọn của mình, riêng Xuân Phượng vẫn kiên định mà sống và cống hiến một cách đầy lạc quan. Với bà, đó là một cuộc đời vô cùng phong phú. Bà đã trải qua biết bao nhiêu công việc, gặp biết bao nhiêu con người, từ đó dựng xây tình bạn chí thiết, tình yêu đẹp đẽ. Mỗi chặng đường, mỗi con người ấy đều được bà khắc họa một cách chân thực và đầy nhân ái trong hồi ký của mình. Cuốn hồi ký của bà như đã phục dựng lại một giai đoạn lịch sử với bao gương mặt nghệ sĩ, trí thức.
Năm 2001, cuốn hồi ký Áo Dài - Từ Tu viện của những loài chim đến chiến khu Việt Minh viết bằng tiếng Pháp của bà được phát hành tại Paris, sau đó đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Ba Lan. 19 năm sau, ở tuổi 91, bà “viết lại đời mình bằng tiếng Việt như một món quà tinh thần gửi đến những người thân mến quanh tôi”. Đọc hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… của đạo diễn Xuân Phượng, NSND, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn có cảm giác “thấy trước mắt không phải là những dòng chữ, mà là lời nói, là hơi thở, là máu và nước mắt của chị đang chảy”. Mới đây, tập hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2020.