Taekwondo Hà Nội: Phương châm ''chắc từng bước''
Thể thao - Ngày đăng : 06:10, 21/11/2020
Xác định rõ mục tiêu
Đã có lúc Taekwondo Hà Nội tự hào vì có những VĐV vươn tầm thế giới ở nội dung quyền khi Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Minh Tú mang về hàng loạt Huy chương vàng thế giới, châu Á cũng như SEA Games.
Cũng nhờ thành tích xuất sắc của các VĐV nội dung quyền mà Taekwondo Hà Nội có thể tự hào trong một thời gian dài vì đã “đi bằng cả hai chân”, mạnh đều ở nội dung quyền cũng như đối kháng. Nhưng cách đây vài năm, khi Nguyễn Đình Toàn và Nguyễn Minh Tú nghỉ thi đấu thì Taekwondo Hà Nội gặp khó khăn do lứa trẻ nội dung quyền, trong đó có Phạm Quốc Việt, vẫn đang trong giai đoạn “ươm mầm”.
Khi ấy, Taekwondo Hà Nội đã xác định hướng đi rõ ràng, trong đó có mục tiêu phát triển thế mạnh ở nội dung quyền chính là phần thi quyền tiêu chuẩn. Đây là một trong hai phần thi (cùng với phần thi quyền sáng tạo) của nội dung quyền môn Taekwondo. Như chia sẻ của các HLV thì khi VĐV tập luyện quyền tiêu chuẩn, họ ít có nguy cơ chấn thương nặng so với khi tập quyền sáng tạo. Không kể, phần thi quyền tiêu chuẩn của Taekwondo đã được đưa vào chương trình thi đấu ASIAD năm 2018 và đã có thông tin rằng phần thi này có thể được đưa vào chương trình thi đấu Olympic. Vì thế, Taekwondo Hà Nội càng kiên định với mục tiêu phát triển nội dung quyền tiêu chuẩn.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, cần tạo nên chân đế vững chắc. Cách đây khoảng 3 năm, Taekwondo Hà Nội đã có một dàn VĐV trẻ tiềm năng. Sau đó, dàn VĐV này, trong đó có Phạm Quốc Việt được huấn luyện tiếp bởi chuyên gia Hàn Quốc, tiếp tục phát triển theo lộ trình đã định.
Năm 2018, Phạm Quốc Việt giành Huy chương bạc lứa tuổi 15 - 17 ở Giải vô địch quyền Taekwondo thế giới, năm 2019 giành Huy chương vàng lứa tuổi 15 - 17 ở Cúp Taekwondo thế giới, và vào tuần trước đã giành Huy chương đồng Giải vô địch quyền Taekwondo châu Á năm 2020 - nơi hội tụ những võ sĩ hàng đầu thế giới. Ngoài ra, các VĐV Hà Nội còn giành hàng loạt huy chương tại các nội dung đồng đội quyền tiêu chuẩn ở sân chơi thế giới dành cho các võ sĩ trẻ.
Không ngẫu nhiên khi nhìn lại thành tích trong 3 năm qua của Taekwondo, Trưởng bộ môn Taekwondo Hà Nội Hồ Anh Tuấn nói rằng, đó là kết quả bước đầu của cả một hành trình dài kiên nhẫn đầu tư, không “đốt cháy giai đoạn”.
Đi chắc từng bước
Đến lúc này, Taekwondo Hà Nội đang chuẩn bị lực lượng cho SEA Games 31 năm 2021 và ASIAD năm 2022. Trước mắt, phần thi quyền tiêu chuẩn vẫn được xem là khâu đột phá của Taekwondo Hà Nội trong những năm tới. Thực tế đã chứng tỏ rằng đây là hướng đầu tư phù hợp để có thể tiếp cận huy chương tại các sân chơi lớn như ASIAD, SEA Games và có thể về lâu dài là Olympic.
Ông Hồ Anh Tuấn khẳng định, diện tuyển chọn VĐV cho nội dung quyền của Hà Nội vẫn rộng nhờ phong trào tập luyện được duy trì đều đặn ở hầu hết quận, huyện, thị xã. Vì thế, có thể yên tâm về nguồn tuyển chọn. Quan trọng nhất vẫn là đào tạo sau tuyển chọn, đầu tư đúng lộ trình để có một đội ngũ VĐV giỏi theo hướng “đi chắc từng bước thay vì vội vã, dễ vấp”.
Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng nhận định: “Trung tâm sẽ tạo điều kiện tối đa để nâng tầm những VĐV giàu tiềm năng như Phạm Quốc Việt. Bởi rõ ràng, quyền tiêu chuẩn của môn Taekwondo là hướng đầu tư trọng điểm của thể thao Hà Nội để có được thành tích cao tại SEA Games hay ASIAD. Quan trọng nhất là phải xác định rõ lộ trình đầu tư cho VĐV”.
Ông Đào Quốc Thắng cũng nói thêm rằng, không chỉ Taekwondo mà nhiều môn khác của thể thao Hà Nội cần có những chuyến tập huấn ở nước ngoài để nâng cao trình độ cho VĐV. Đây là vấn đề khó của thể thao Hà Nội trong thời gian tới khi diễn biến của dịch Covid-19 trên thế giới vẫn phức tạp. Vì vậy, sẽ phải trông vào những HLV nội bên cạnh việc mời chuyên gia ngoại. Về lâu dài, tập huấn dài hạn ở nước ngoài là hướng đi cần được ưu tiên để giúp các VĐV trẻ phát huy tiềm năng.
Điều này cũng phù hợp với định hướng chung khi mới đây, trong Chỉ thị số 01-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh công tác chuẩn bị đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 - năm 2021 tại Thủ đô Hà Nội” cũng đề cập đến việc tăng cường công tác tập huấn, thi đấu ở trong và ngoài nước.