Nghiên cứu, phát triển vắc xin ngừa Covid-19: Thắp sáng niềm hy vọng
Thế giới - Ngày đăng : 06:27, 21/11/2020
Đối mặt cuộc khủng hoảng toàn cầu do Covid-19, việc nghiên cứu để sớm sản xuất và phân phối vắc xin ngừa vi rút SARS-CoV-2 được tiến hành gấp rút chưa từng có trong lịch sử y học. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, tầm quan trọng của vắc xin trong kiểm soát đại dịch là điều không thể nghi ngờ. Theo WHO, có hơn 150 loại vắc xin ngừa Covid-19 đang được phát triển, trong đó có 44 loại đang được thử nghiệm lâm sàng và 11 "ứng cử viên" trong quá trình thử nghiệm giai đoạn cuối.
Một trong những "ứng cử viên" nổi bật hiện nay là sản phẩm của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNtech (Đức). Ngày 18-11, Pfizer cho biết kết quả thử nghiệm cuối cùng vắc xin ngừa vi rút SARS-CoV-2 của hãng này đã cho hiệu quả tới 95% và chưa thấy tác dụng phụ nghiêm trọng nào, ngay cả ở người cao tuổi. Tập đoàn Công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) cũng thông báo, vắc xin thử nghiệm của hãng này đã phát huy tới 94,5% hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch Covid-19, cao hơn so với dự đoán ban đầu. Nhiều loại vắc xin tiềm năng khác cũng liên tục cho những kết quả tích cực trong quá trình thử nghiệm, như vắc xin AZD1222 của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) phối hợp với Đại học Oxford (Anh) bào chế, hay vắc xin do Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Sinopharm (Trung Quốc) phát triển…
Trước những thông tin tích cực từ kết quả bào chế vắc xin, các quốc gia đang ráo riết thúc đẩy kế hoạch mua và phân phối các sản phẩm tiềm năng để phục vụ chương trình tiêm chủng quốc gia. Ngày 11-11, Liên minh châu Âu (EU) cho biết, khối này đã đạt thỏa thuận mua 300 triệu liều vắc xin của hai hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech. Chính phủ Anh đạt thỏa thuận mua 5 triệu liều vắc xin của Moderna ngay sau khi hãng này công bố kết quả thử nghiệm. Philippines - một trong những tâm điểm dịch Covid-19 tại Đông Nam Á đã đồng ý trả tiền trước cho các hãng dược phẩm để bảo đảm có hàng triệu liều vắc xin ngừa Covid-19. Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo, chính phủ nước này đã đồng ý mua 10 triệu liều vắc xin Covid-19 Sputnik V của Nga và lô đầu tiên sẽ có vào quý I-2021…
Cùng với quá trình phát triển vắc xin, bảo đảm sự đoàn kết và phân phối công bằng luôn là vấn đề được chú trọng thảo luận hiện nay. Đại diện WHO cho biết, các nước có thu nhập thấp ở một số khu vực sẽ được hỗ trợ bởi cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX), trong đó cơ chế này đặt mục tiêu triển khai ít nhất 2 tỷ liều vắc xin vào cuối năm 2021. Trong hội nghị trực tuyến về người tị nạn tại châu Âu ngày 19-11, Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc Antonio Vitorino kêu gọi, người xin tị nạn và những người di cư dễ bị tổn thương cần được tiếp cận bình đẳng với các loại vắc xin ngừa Covid-19 tiềm năng, vì sự an toàn của chính họ cũng như an toàn cho toàn thể cộng đồng tại nước tiếp nhận họ.
Dù một số loại vắc xin tiềm năng đang cho kết quả khả quan trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, nhưng Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan vẫn cảnh báo, các nước không thể lơ là cảnh giác mà cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp trong cuộc chiến chống đại dịch… Đây cũng là điều cần thiết để tạo nên lá chắn bảo vệ thế giới, trước khi thật sự xác định được loại vắc xin ngừa Covid-19 hiệu quả.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.