Nhọc nhằn mưu sinh ở chợ Hà Vỹ

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:31, 21/11/2020

(HNM) - Dịch Covid-19 khiến cuộc sống mưu sinh của các tiểu thương tại chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín) - một trong những chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc, gặp nhiều khó khăn. Dẫu vất vả, nhọc nhằn lặn lội sớm khuya nhưng không ai bỏ nghề. Tất cả vẫn đang miệt mài với công việc và hy vọng công tác phòng, chống dịch bệnh tiếp tục mang lại hiệu quả, để hoạt động kinh doanh những tháng cuối năm không bị ảnh hưởng, từ đó có thêm thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày.

Bà Lê Thị Hoa, một tiểu thương kinh doanh tại chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín).

Ăn, ở cùng gia cầm

Sáng đông chớm lạnh với những hạt mưa nhỏ lất phất cũng là lúc mở đầu một ngày mới đầy bận rộn, lo toan của các tiểu thương ở chợ gia cầm Hà Vỹ.

Vừa gọi điện, chốt số lượng gia cầm cho một nhà hàng ở quận Cầu Giấy, ông Nguyễn Văn Thắng - một trong những chủ cửa hàng gia cầm lớn ở chợ Hà Vỹ, cho biết: “Tôi làm nghề này đã hơn 20 năm, nhưng chưa năm nào kinh doanh vất vả như năm nay. Dịch Covid-19 làm lượng tiêu thụ giảm 20-30%, nên thu nhập cũng giảm hơn so với mọi năm. Khoảng vài tuần nay, nhu cầu thực phẩm của người dân bắt đầu tăng cao, mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 10 tấn gia cầm. Hằng ngày, vợ chồng tôi phải dậy từ sáng sớm đi đến các trang trại chăn nuôi ở các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn... để mua hàng. Thậm chí, chúng tôi còn phải vào miền Nam 2-3 ngày mới gom được thành chuyến mang về chợ Hà Vỹ tiêu thụ”.

Vừa buộc dây giúp chồng chở một lồng gà cho khách hàng, quần ống thấp ống cao, bà Lê Thị Vân tâm sự: "Chợ gia cầm hoạt động từ 3h sáng đến 21h đêm, nên cuộc sống của chúng tôi khác với mọi người". Ngày nào cũng vậy, vợ chồng bà Vân phải dậy từ sáng sớm đi thu gom gà ở các trang trại mang về chợ bán. Nghề nào hoạt động nhiều ngoài trời cũng vất vả, nhưng với nghề buôn bán gia cầm, có lẽ sự nhọc nhằn lớn hơn rất nhiều. Vào mùa nắng ấm không sao, mùa đông có những đêm mưa gió, rét cắt da, cắt thịt, nằm trong chăn ấm chẳng ai muốn ra ngoài. Tuy nhiên, vì cuộc sống, nuôi các con ăn học nên hai vợ chồng phải "lặn lội" sớm khuya. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên buôn bán ảm đạm hơn mọi năm, mỗi ngày cửa hàng của vợ chồng bà Vân chỉ bán được 2-3 tạ gà, trong khi mọi năm bán được hơn 1 tấn gà/ngày.

Trong câu chuyện vội vã giữa không gian trắng xóa lông gà, lông ngan, nồng mặc mùi gia cầm ngột ngạt, bà Lê Thị Ánh (tiểu thương ở chợ gia cầm Hà Vỹ) nói: “Tiết mưa phùn không khí càng trở nên khó chịu, nhưng các tiểu thương vẫn sinh sống và ăn, ở cùng với gia cầm. Ăn uống, nghỉ trưa hay uống nước cũng cùng đàn gà. Hơn 10 năm bán gà ở chợ này, với tôi, khái niệm ngày - đêm không tồn tại và giấc ngủ cũng chập chờn. Nhiều người đến chợ chỉ vài mươi phút đã thấy sợ không khí ở đây, còn chúng tôi thì phải chung sống ngày này qua tháng khác. Nhiều lúc cũng lo lắm vì sợ dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng không có nghề gì khác nên vẫn theo nghề này để có thu nhập”.

Nói về cuộc sống của các tiểu thương tại chợ, Trưởng ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ Lê Thanh Bình cho biết, chợ được thành lập từ những năm 1990, hiện có 162 ki ốt với 162 hộ kinh doanh. Số hộ làm giàu từ việc buôn bán gia cầm không nhiều, phần lớn chỉ đủ chi tiêu, nuôi con cái ăn học. Có những thời điểm ế ẩm, rồi gia cầm chết do dịch bệnh phải vứt bỏ, thua thiệt rất nhiều nhưng họ vẫn tiếp tục kinh doanh bởi mọi chi tiêu trong sinh hoạt đều trông cả vào đó. Vào những ngày giáp Tết, khi lượng tiêu thụ gia cầm tại chợ lên đến 100 tấn/ngày, các tiểu thương phải làm việc hết công suất, song đó là niềm vui vì dù vất vả nhưng có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, tích lũy cho gia đình…

Mong có một cái Tết no ấm, sung túc

Cùng với những vất vả mưu sinh, nỗi lo canh cánh hiện nay của các tiểu thương ở chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ là công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như phòng, chống cúm gia cầm A/H5N6. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm cuối năm nên các tiểu thương hy vọng sẽ bán được hàng để có một cái Tết no ấm.

Ăn vội suất cơm trưa tại ki ốt, bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ: “Các tháng trước buôn bán ế ẩm, nhưng khoảng vài tuần nay khi gần đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, rồi nhiều gia đình tổ chức lễ cưới, lễ ăn hỏi... nên lượng tiêu thụ tăng khoảng 10%. Hiện, trung bình mỗi ngày cửa hàng xuất bán khoảng 1-2 tấn gà. Hy vọng rằng, đến Tết Nguyên đán, lượng tiêu thụ tiếp tục tăng và được giá”.

Cần mẫn kinh doanh, lo toan cuộc sống nhưng các tiểu thương ở chợ Hà Vỹ không xao nhãng, chủ quan trước nguy cơ của dịch Covid-19 và cúm gia cầm A/H5N6. Bà Lê Thị Hoa, một tiểu thương, nói: "Chúng tôi phải cẩn trọng kiểm soát hàng hóa để không mua hoặc bán gia cầm có mầm bệnh, bởi nếu chỉ một con gia cầm mắc bệnh thì coi như cả chuyến hàng mất trắng và ảnh hưởng đến cả chợ. Do vậy, các tiểu thương tại chợ đều có ý thức chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh - cả với người và với gia cầm".

Sát cánh cùng tiểu thương phòng, chống dịch bệnh, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống; phun thuốc sát trùng, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ gia cầm ra, vào chợ.

Ông Nguyễn Bá Xuân, phụ trách Chốt kiểm dịch động vật liên ngành số 5 tại chợ gia cầm Hà Vỹ cho biết: "Có thời điểm như năm 2003, dịch cúm gia cầm bùng phát trên diện rộng, nhưng tại chợ Hà Vỹ không có con gia cầm nào mắc bệnh, song không vì thế mà chúng tôi chủ quan. Hằng ngày, tất cả các xe tải ra - vào chợ đều phải đi qua 4 vũng nước được bố trí đều ở các cổng có pha loãng dung dịch sát trùng. Cứ 3h sáng hằng ngày, nhân viên thú y, lực lượng công an, quản lý thị trường đều có mặt để tiến hành phun thuốc và kiểm dịch gia cầm, hướng dẫn tiểu thương thực hiện các bước phòng dịch bệnh theo đúng quy định". Còn theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh, hằng ngày, nhân viên thú y đều lấy mẫu xét nghiệm cúm gia cầm A/H5N6, đồng thời tiến hành tổng vệ sinh tiêu độc môi trường sau mỗi buổi chợ. Ông Tĩnh chia sẻ: “Bên cạnh công việc làm theo nhiệm vụ, các nhân viên thú y cũng động viên, chia sẻ với bà con tiểu thương. Để họ hiểu rằng, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh chính là làm vơi bớt nỗi lo về những rủi ro có thể xảy ra, giúp giảm thiểu sự bấp bênh trong việc làm ăn của mình”.

Buôn bán gia cầm ở các chợ đầu mối là một nghề vất vả, khó nhọc. Không chỉ bởi chủ yếu hoạt động về đêm mà các tiểu thương còn luôn đứng trước rủi ro của dịch bệnh, trước sự lên xuống thất thường của giá cả - nhiều khi không tuân theo quy luật của thời vụ...

Hy vọng và tin tưởng, công tác phòng, chống dịch bệnh ở chợ gia cầm Hà Vỹ nói riêng và các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố nói chung luôn được duy trì một cách hiệu quả, giúp những tiểu thương vơi bớt nhọc nhằn trong cuộc sống mưu sinh, đặc biệt là trong những tháng cuối năm để có một cái Tết no ấm, sung túc...

Ngọc Quỳnh