Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước

Chính trị - Ngày đăng : 06:23, 21/11/2020

(HNM) - Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về 3 đột phá chiến lược được đề ra tại dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII), PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đề xuất, cùng với 3 đột phá chiến lược đã nêu, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước. Đây chính là nền tảng, động lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn sắp tới.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đều xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới. Trong ảnh: Đại lộ Thăng Long - tuyến đường đẹp và hiện đại của Thủ đô. Ảnh: Vũ Long

- Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định rõ 3 đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại nền kinh tế đã đem lại những thành tựu to lớn cho đất nước. Đồng chí có thể cho biết, kết quả đã đạt được có vai trò như thế nào trong việc xây dựng những khâu đột phá của đất nước trong giai đoạn tới?

- Ba đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng đã được triển khai bài bản, khoa học, góp phần đưa đất nước ta đạt được những thành tựu quan trọng. Các khâu đột phá cũng xác định triển khai mạnh mẽ cải cách hành chính và trên thực tế đã tạo cơ chế, thủ tục thông thoáng hơn cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, kinh doanh...

Theo đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay.

Từ những kết quả đã đạt được, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển”. Dự thảo cũng nêu rõ, trong 5 năm tới, để phù hợp với điều kiện, yêu cầu mới, cần tập trung vào 3 đột phá cụ thể. Đó là: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội… Đây sẽ là những định hướng quan trọng để đưa đất nước ta phát triển vững mạnh, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.

- Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đại dịch Covid-19 đã và đang đặt ra những khó khăn, thách thức mới cho các quốc gia, trong đó có nước ta. Đồng chí có góp ý gì trong việc hoàn thiện các đột phá chiến lược cho phù hợp với tình hình mới?

- Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19 đã tạo ra những tác động mạnh mẽ tới toàn thế giới. Tôi cho rằng, trong bối cảnh mới, cần tập trung thực hiện một số đột phá chiến lược.

Đầu tiên là đột phá phát triển con người, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là giới tinh hoa, những chuyên gia, nhà khoa học giỏi; những nhà lãnh đạo, quản lý giỏi, nhân lực công nghệ kỹ thuật số giỏi… bởi đây là đột phá gốc, đột phá nền tảng. Nhấn mạnh đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi lẽ, chỉ có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước bền vững, toàn diện về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, đối ngoại; khơi dậy mọi tiềm năng; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực mới để đất nước phát triển bền vững.

Thứ ba, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, cần chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội…

Thứ tư, tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu, các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông… trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng.

Thứ năm, xây dựng, phát triển, tạo môi trường xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, niềm tự hào dân tộc; phát huy tối đa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Từ thực tiễn của Thủ đô và những định hướng lớn được nêu tại dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng xác định 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí đánh giá thế nào về những khâu đột phá nhằm đưa Hà Nội phát triển xứng tầm với vị thế Thủ đô?

- Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định 3 khâu đột phá, gói gọn lại thì đó là về kết cấu hạ tầng; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực... Có thể nhận thấy, các khâu đột phá này đã tiếp thu những định hướng lớn trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó, khâu đột phá thứ 3 là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đã cho thấy khát vọng của Thủ đô trong giai đoạn tới.

Tôi cho rằng, việc phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn kết hợp với việc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc… sẽ tạo nguồn lực quan trọng để đưa Hà Nội đạt được những bước phát triển mới, xứng tầm với vị thế Thủ đô, trái tim của cả nước.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(Còn nữa)

Hương Ly