Vượt thách thức gặt hái ''trái ngọt''

Kinh tế - Ngày đăng : 06:12, 22/11/2020

(HNM) - Sau chặng đường 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được 10 nước ASEAN và 5 đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) cùng đặt bút ký kết. Là nền kinh tế có nhiều mặt hàng thế mạnh đáp ứng nhu cầu của hầu hết thành viên, song để gặt hái những “trái ngọt” từ RCEP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải vượt qua những thách thức không nhỏ.

Sản phẩm dệt may sẽ có lợi thế xuất khẩu khi RCEP được thực thi. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất hàng thời trang tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Nhật Nam

Thêm cơ hội cho xuất khẩu

Có thể thấy, RCEP là một siêu hiệp định khi tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và tổng sản phẩm trong nước (GDP) của các nước tham gia là 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu. Trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, ngay khi RCEP có hiệu lực, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế. 15-20 năm tiếp theo, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6%-89,6% số dòng thuế với các đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ khoảng 90,7%-92% số dòng thuế với Việt Nam.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái cho rằng, đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực. Trong đó, sản phẩm, ngành hàng được hưởng lợi thế nhiều nhất là viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp. Đáng chú ý, việc Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và các nước ASEAN cam kết giảm ngay thuế suất đối với phần lớn mặt hàng thủy sản của Việt Nam về 0% khi RCEP có hiệu lực sẽ tạo sức bật cho xuất khẩu mặt hàng có thế mạnh này.  

Ngoài lợi thế về quy mô thị trường, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang còn cho rằng: “Quy tắc xuất xứ nội khối chính là cơ hội mà RCEP mang lại cho xuất khẩu nước ta. Bởi trong các nước thành viên của RCEP, có những nước Việt Nam đang sử dụng rất nhiều nguyên liệu, vì thế hàng hóa xuất khẩu sẽ dễ dàng đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo hiệp định để được hưởng các ưu đãi thuế quan”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải Lưu Hải Minh cho biết: “Do thuế quan giảm mạnh, các thủ tục hải quan được đơn giản hóa nên luồng hàng cũng sẽ được lưu chuyển nhanh hơn giữa các quốc gia, là cơ hội để chúng tôi mở rộng thị trường tới 15 nước tham gia RCEP”.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tính riêng ASEAN, hằng năm Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất có trị giá hơn 30 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc nguyên liệu của ngành điện tử, máy tính, dệt may, ô tô…, vì thế Việt Nam không chỉ dễ dàng đáp ứng tiêu chí xuất xứ, mà còn có thể tiếp cận sâu rộng hơn với các thị trường giàu có của Singapore, Australia, Nhật Bản, New Zealand… 

Làm gì để tận dụng cơ hội?

Với kinh nghiệm hội nhập quốc tế và quá trình tự do hóa thuế quan được thực thi theo lộ trình, Việt Nam không quá lo ngại về khả năng tăng nhập siêu, song chắc chắn doanh nghiệp trong nước sẽ phải đứng trước sức ép cạnh tranh rất lớn. Giám đốc Trung tâm Kinh tế thế giới và hội nhập (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam có ở cả thị trường trong nước và thị trường thuộc các nước tham gia RCEP, bởi nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh mạnh hơn. Do đó, doanh nghiệp cần tập trung tăng cường khả năng cạnh tranh để tận dụng tốt nhất cơ hội của RCEP. 

Cùng quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị sẵn sàng trước các tác động bất lợi mà RCEP gây ra, đặc biệt về việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa. Khi tận dụng được cơ hội của hiệp định, các nước trong khối RCEP cũng sẽ đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam. Chỉ riêng hàng hóa từ Trung Quốc đã có giá cạnh tranh, phong phú về chất lượng, chủng loại, chưa kể hàng hóa từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… có chất lượng cao lại được người tiêu dùng Việt Nam rất ưa chuộng. Cùng với đó, việc giảm thuế quan còn giúp hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản.

Nhìn nhận những thách thức cần vượt qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Việc đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần làm là nghiên cứu kỹ lộ trình cắt giảm, xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam và các nước, quy tắc xuất xứ… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh bằng tăng chất lượng, hàm lượng chất xám, tận dụng bản sắc riêng của sản phẩm hàng Việt. Điều này sẽ mang lại tác dụng kép khi còn góp phần kích đẩy tiêu dùng hàng Việt Nam tại thị trường trong nước”. 

Bộ Công Thương cho biết, sẽ  đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của RCEP tới cộng đồng doanh nghiệp. Theo kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ về việc triển khai RCEP cũng sẽ được ban hành để từng bước đưa RCEP vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực.

Hà Hương