UNICEF phân phối 2 tỷ liều vắc xin đến các nước nghèo vào năm 2021
Thế giới - Ngày đăng : 13:24, 23/11/2020
Chiến dịch khổng lồ này được UNICEF thông báo trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới cam kết sẽ đảm bảo việc phân phối vắc xin một cách công bằng.
Theo UNICEF, cơ quan này đang làm việc với hơn 350 hãng hàng không và các công ty vận chuyển hàng hóa để cung cấp vắc xin và 1 tỷ dụng cụ tiêm đến các nước nghèo như Burundi, Afghanistan và Yemen như một phần của sáng kiến COVAX - nhằm phân phối vắc xin ngừa Covid-19 cho các nước trên toàn thế giới, trong đó tập trung vào việc tiêm vắc xin cho những người có nguy cơ cao nhất ở mọi quốc gia.
Giám đốc Bộ phận Cung ứng của UNICEF - bà Etleva Kadilli nêu rõ: "Sự hợp tác vô giá này sẽ được triển khai trong một thời gian dài để đảm bảo có đủ khả năng vận chuyển cho hoạt động của chiến dịch khổng lồ này". Bên cạnh đó, bà cũng kêu gọi: "Chúng tôi cần sự chung tay của tất cả cộng đồng, để sẵn sàng cung cấp các liều vắc xin phòng Covid-19, dụng cụ tiêm và các thiết bị bảo hộ cá nhân khác để bảo vệ những người đang làm việc nơi tuyến đầu trên toàn cầu".
Theo UNICEF, ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc tiếp cận với vắc xin trên thế giới đã không bình đẳng khi khoảng 20 triệu trẻ sơ sinh không được cung cấp "tấm lá chắn" có thể giúp bảo vệ các em trước các bệnh hiểm nghèo, ốm yếu, tàn tật hoặc tử vong.
Vai trò của UNICEF trong COVAX xuất phát từ việc cơ quan này là đơn vị mua vắc xin lớn nhất trên thế giới. UNICEF thường mua hơn 2 tỷ liều vắc xin mỗi năm để triển khai công tác tiêm chủng định kỳ và ứng phó với dịch bệnh cho gần 100 quốc gia.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 trong hai ngày cuối tuần vừa qua, các nhà lãnh đạo của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới đã cam kết đảm bảo phân phối công bằng các loại vắc xin, thuốc điều trị và xét nghiệm Covid-19 để các nước nghèo hơn không bị bỏ lại phía sau.
Các nhà sản xuất dược phẩm và các trung tâm nghiên cứu trên toàn thế giới đang chạy đua để phát triển vắc xin ngừa Covid-19 tiềm năng, với nhiều cuộc thử nghiệm quy mô lớn đang được tiến hành trên toàn cầu.
Loại vắc xin do Pfizer Inc (Mỹ) và BioNTech (Đức) cùng phối hợp bào chế có thể được Mỹ và châu Âu cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào tháng tới, sau khi kết quả thử nghiệm gần nhất cho thấy loại vắc xin này đạt hiệu quả 95% và không gây tác dụng phụ nghiêm trọng.
Trong khi đó, hãng Moderna Inc của Mỹ hồi tuần trước cũng công bố dữ liệu sơ bộ cho thấy vắc xin của hãng này đạt hiệu quả 94,5%. Những kết quả tốt hơn dự kiến của hai loại vắc xin trên đã thắp lên hy vọng sớm chấm dứt đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,3 triệu người trên thế giới, tàn phá các nền kinh tế và cuộc sống hằng ngày của người dân.
Cũng trong ngày 22-11, trang tin Telegraph cho biết, Chính phủ Anh có thể sẽ phê duyệt việc đưa vào sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer và BioNTech ngay trong tuần này.
Trước đó, London đã chính thức yêu cầu Cơ quan Quản lý y tế (MHRA) đánh giá tính khả thi đối với vắc xin của hãng Pfizer và BioNTech.
Anh đã đặt mua 40 triệu liều vắc xin này và dự kiến sẽ nhận được 10 triệu liều vào cuối năm nay, đủ để tiêm phòng cho 5 triệu người, nếu các cơ quan quản lý chấp thuận loại vắc xin này.
Tây Ban Nha cũng sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm phòng Covid-19 toàn diện từ tháng 1-2021 và dự kiến sẽ bao phủ một phần đáng kể dân số của nước này trong vòng 6 tháng sau đó.
Theo Thủ tướng Pedro Sanchez, Tây Ban Nha và Đức là những nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên lên kế hoạch tiêm chủng toàn diện. Phát biểu trong một cuộc họp báo sau hội nghị trực tuyến G20, ông Pedro Sanchez nêu rõ: "Chiến dịch sẽ bắt đầu vào tháng 1 với 13.000 điểm tiêm chủng được triển khai. Một phần rất lớn dân số có thể sẽ được tiêm phòng trong nửa đầu năm tới".
Chiến lược tiêm phòng quốc gia của Tây Ban Nha sẽ được bắt đầu từ "các nhóm ưu tiên". Hiện, Tây Ban Nha là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao thứ hai Tây Âu (sau Pháp), với khoảng 1,5 triệu trường hợp mắc bệnh và 46.619 trường hợp tử vong.