“Gỡ khó” cho xe buýt trợ giá

Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 23/11/2020

(HNM) - Dịch Covid-19 và một số tác động khác đã khiến chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn Thủ đô sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, toàn bộ chi phí vận hành 3 tháng đầu năm 2020 của 68 tuyến xe buýt có trợ giá chưa được thanh toán. Hiện các cơ quan chức năng đang triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho phương tiện vận tải công ích này...

Hoạt động xe buýt Hà Nội đang khó khăn do chậm được thanh toán chi phí trợ giá. Ảnh: Tuấn khải

Doanh thu giảm 45,9% so với kế hoạch năm 2020

Công ty cổ phần Ô tô vận tải Hà Tây là đơn vị đầu tiên “kêu cứu” về nguy cơ phải tạm dừng hoạt động tuyến buýt trợ giá số 72 (Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai) do thu không đủ bù chi. Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ô tô vận tải Hà Tây Nguyễn Quang Minh, từ thời điểm ngày 1-9-2019, thực hiện chủ trương của HĐND thành phố Hà Nội về việc “mở rộng đối tượng được sử dụng xe buýt miễn phí cho người cao tuổi”, số lượng hành khách sử dụng xe buýt miễn phí mà trước đây đang sử dụng vé lượt hoặc vé tháng ưu tiên đã tăng đột biến, điều này khiến doanh thu của công ty giảm. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn do lượng khách sụt giảm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đó cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp đang vận hành các tuyến buýt trợ giá trên địa bàn Thủ đô. Đơn cử, Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội đảm trách 8 tuyến buýt, trung bình mỗi tháng vận chuyển hơn nửa triệu lượt hành khách. Ngoài chi phí của doanh nghiệp, đơn vị được thành phố Hà Nội trợ giá khoảng 16 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, cả quý I-2020, khoản trợ giá này chưa được chi trả. Để việc đi lại của hành khách không bị gián đoạn và 140 xe buýt với 750 nhân viên lái, phụ xe không bị ngừng vận hành, công ty đã vay ngân hàng để duy trì hoạt động.

Ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp, ngày 15-10 vừa qua, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã có văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội, trong đó nêu rõ, chỉ tính đến hết tháng 8-2020, qua khảo sát trên toàn hệ thống, một số chỉ tiêu (lượt xe, sản lượng, doanh thu, chi phí, trợ giá) đối với 104 tuyến buýt trợ giá cơ bản không đạt so với kế hoạch năm 2020 và cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, tổng sản lượng hành khách đạt 221,3 triệu lượt (giảm 26,8% so với cùng kỳ), trong đó xe buýt trợ giá đạt 203,4 triệu lượt hành khách (đã bao gồm khách đi xe buýt miễn phí), giảm 23,8% so với cùng kỳ. Doanh thu đạt 291,1 tỷ đồng, giảm 45,9% so với kế hoạch năm 2020…

Cũng cần nói thêm, 104 tuyến xe buýt có trợ giá của thành phố, theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ, thay vì cơ chế trợ giá theo đặt hàng, từ tháng 6-2019, phải chuyển sang cơ chế đấu thầu. Trong năm 2019, đã có 36 tuyến hoàn thành việc này, 68 tuyến trợ giá khác chưa kịp tổ chức đấu thầu, sang đến hết quý I-2020 việc đấu thầu mới xong. Do vậy, toàn bộ kinh phí hoạt động 68 tuyến buýt chưa đấu thầu trong 3 tháng đầu năm 2020 hiện chưa được thanh toán.

Sớm có giải pháp tháo gỡ

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Thông thông tin, chỉ riêng 68 tuyến chưa được thanh toán trong 3 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp xe buýt trên địa bàn Hà Nội đang vay ngân hàng hơn 200 tỷ đồng. Với lãi suất 7-8%/năm, nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ, nguy cơ cao là nhiều tuyến buýt phải tạm ngừng hoạt động.

"Chủ trương miễn phí xe buýt cho người cao tuổi là đúng đắn, song trong quá trình tổ chức đấu thầu, thành phố cần có cơ chế tính đúng, tính đủ, giám sát chặt chẽ để vừa bảo đảm doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, vừa bảo đảm nguồn ngân sách trợ giá được sử dụng hiệu quả", ông Nguyễn Trọng Thông nói.

Vận tải công cộng là phương thức đang được thành phố khuyến khích. Dịp cuối năm, lượng hành khách chắc chắn cũng sẽ gia tăng. Để gỡ khó cho các đơn vị cung cấp dịch vụ xe buýt, trong tờ trình gửi UBND thành phố Hà Nội ngày 29-10-2020, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã đề xuất thực hiện thanh quyết toán kinh phí quý I-2020 cho 68 tuyến buýt với tổng số tiền gần 312 tỷ đồng. Khối lượng thực hiện (lượt xe, ki lô mét hành trình) và chi phí vận hành đã được các cơ quan chức năng xác định, nghiệm thu. Đơn giá thanh toán theo đơn giá đặt hàng được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2019 đã tính tiết giảm 3% chi phí vận hành và đơn giá thanh toán không cao hơn giá trúng thầu của từng tuyến tương ứng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mới đây nhất, ngày 16-11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan hướng dẫn Sở Giao thông - Vận tải thực hiện theo quy định pháp luật và các chỉ đạo có liên quan của Trung ương, thành phố về phương án thanh quyết toán kinh phí trợ giá đối với 68 tuyến buýt trong quý I-2020. Trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền thì rà soát, tham mưu, báo cáo thành phố theo quy định...

Tuấn Lương