Xử lý dứt điểm tin nhắn rác

Xe++ - Ngày đăng : 06:20, 24/11/2020

(HNM) - Sau hơn một tháng Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14-8-2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-10-2020), nhiều người dân cho biết vẫn bị tin nhắn rác làm phiền. Đáng nói, có những tin nhắn nhận làm bằng tốt nghiệp, giấy phép lái xe, cho vay tiền không cần thế chấp... là dấu hiệu vi phạm pháp luật, rất cần ngành Viễn thông quyết liệt sàng lọc, xử lý dứt điểm tình trạng này.

Tin nhắn rác chưa được ngăn chặn triệt để, gây bức xúc cho người sử dụng. Ảnh: Đỗ Tâm

Lách luật để vi phạm

Trao đổi với nhiều chủ sử dụng thuê bao điện thoại di động của các nhà mạng, phóng viên Báo Hànộimới được biết, kể từ khi Nghị định số 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 1-10-2020) đến nay, lượng tin nhắn rác có giảm nhưng vẫn còn xuất hiện. Anh Nguyễn Mạnh Tuấn (quận Đống Đa), chủ thuê bao số điện thoại di động 09836xxxxx cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, anh nhận được tin nhắn từ số điện thoại 0924161059 với nội dung: “Thanh toán không phải lương tới 70 triệu đồng”; hay số điện thoại 0942014784 nhắn tin: “Nhận làm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở... đại học; giấy phép lái xe và các loại giấy tờ khác...”.

Còn theo chị Nguyễn Minh Hằng (quận Hà Đông), chủ thuê bao số điện thoại di động 098xxxxx68, ngày nào số điện thoại của chị cũng nhận được tin nhắn quảng cáo từ chính nhà mạng Viettel đến mức xóa đi... cũng mỏi tay.

Còn chị Nguyễn Như Quỳnh (quận Ba Đình) cho hay, từ ngày 1-10-2020 đến nay, số điện thoại của chị vẫn nhận được các tin nhắn rác với nội dung như “Bạn đủ điều kiện vay tiền” của FECREDIT, hay tin nhắn quảng cáo của Điện Máy Xanh... Ngoài ra còn có chiêu trò lách luật của một số doanh nghiệp bất động sản, tài chính, bảo hiểm là “cài” nội dung tin nhắn kiểu “Chúc mừng bạn đã nhận được quà tặng” hoặc “Anh/chị có tên trong danh sách trúng thưởng”... để nhằm mục đích khách hàng đồng ý nhận tin nhắn quảng cáo sau đó.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone, đối tượng phát tán tin nhắn rác tại thị trường Việt Nam rất tinh vi, thường xuyên thay đổi nội dung, số điện thoại để “qua mặt” các hệ thống ngăn chặn. Bên cạnh các quy định về quản lý nhà nước, các nhà mạng còn thực hiện thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng nghi ngờ nhận cuộc gọi, tin nhắn rác. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ phản hồi của khách hàng về cuộc gọi rác là rất thấp, chỉ đạt 5-7%. Như vậy, nhà mạng cứ gửi 100 tin nhắn yêu cầu xác thực thì chỉ có 5-7 người trả lời.

Các nhà mạng ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ để định danh, xác thực khách hàng, góp phần ngăn chặn tin nhắn rác.

Cần sự quyết liệt từ cơ quan quản lý và chủ thuê bao

Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Khắc Lịch cho biết, điểm nổi bật của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP là xây dựng danh sách các thuê bao từ chối nhận quảng cáo (chủ thuê bao chỉ cần soạn: DK DNC rồi gửi đến đầu số 5656), đưa vào vận hành Cổng thông tin quản lý danh sách không quảng cáo tại địa chỉ https://khongquangcao.ais.gov.vn. Đến nay, hệ thống đã ghi nhận hơn 100.000 thuê bao đăng ký vào "Danh sách không quảng cáo". Với những trường hợp như chị Nguyễn Như Quỳnh (quận Ba Đình), ngoài việc nhắn tin như nêu trên, cần gọi trực tiếp ngay cho các nhà mạng để phản ánh, phối hợp giải quyết rác tin nhắn nội mạng, liên mạng.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra đã được cơ quan chức năng đẩy mạnh kể từ khi Nghị định 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực. Tại Hà Nội, từ đầu tháng 10 đến nay, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 doanh nghiệp và 2 cá nhân vì đã phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác mà chưa được sự đồng ý của người nhận. Đây sẽ là một trong những biện pháp được cơ quan quản lý tiếp tục quyết liệt thực hiện trong thời gian tới.

Hiện các nhà mạng đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo. Cụ thể, nhà mạng Viettel, VinaPhone đã xây dựng hệ thống kỹ thuật tự động chặn tin nhắn rác (AntiSpam) dựa trên các công nghệ Big Data (dữ liệu lớn) và Machine Learning (học máy) để chặn theo từ khóa, tần suất, số điện thoại…; thắt chặt biện pháp quản lý với các doanh nghiệp nội dung (CP), doanh nghiệp sử dụng đầu số tin nhắn. Các giải pháp kỹ thuật tự động giúp nhà mạng chặn hàng chục triệu tin nhắn rác/tháng.

Cũng liên quan đến thực hiện Nghị định số 91/2020/NĐ-CP, cả 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao, còn gọi AI sinh trắc học, để chụp ảnh khách hàng ở nhiều góc độ khi đăng ký thông tin thuê bao, bảo đảm 1 người chỉ có thể đăng ký 1 thuê bao.

Phó Cục trưởng tập sự Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Minh Thắng cho biết, để ngăn chặn hiệu quả, bên cạnh các quy định chặt chẽ của cơ quan quản lý rất cần các chủ thuê bao số điện thoại di động phối hợp trả lời tin nhắn thu thập ý kiến phản hồi khi nghi ngờ nhận được cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Đây chính là cơ sở để nhà mạng ngăn chặn các chủ thuê bao phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Vì vậy, Cục Viễn thông và các nhà mạng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng tỷ lệ người dân phối hợp trong khâu xác thực cuộc gọi rác, tin nhắn rác.

Ngân Hà