Nỗ lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu

Thế giới - Ngày đăng : 06:31, 24/11/2020

(HNM) - Sau 2 ngày nhóm họp (21 và 22-11), Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kết thúc tốt đẹp với nhiều cam kết duy trì hợp tác để cùng nhau đối phó với đại dịch Covid-19. Các nhà lãnh đạo G20 cũng đã gửi đi thông điệp tích cực về nỗ lực phục hồi toàn diện nền kinh tế toàn cầu theo hướng bền vững, bao trùm và cân bằng.

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế toàn cầu.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới dự kiến suy thoái sâu, triển vọng phục hồi không đồng đều và tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng. Xu hướng chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực được đẩy mạnh nhằm đa dạng hóa và phân tán rủi ro. Chuyển đổi số được tăng cường đặt ra yêu cầu về hợp tác xây dựng các quy tắc, chuẩn mực quốc tế trong quản lý nền kinh tế số. Các vấn đề an ninh phi truyền thống gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nhiều nước. Lộ trình triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19...

Với chủ đề “Hiện thực hóa cơ hội của thế kỷ XXI cho tất cả mọi người”, Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến G20 tập trung vào việc bảo vệ cuộc sống và khôi phục tăng trưởng bằng cách giải quyết những khó khăn trong đại dịch Covid-19 và đặt ra nền tảng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Hội nghị đã bàn thảo 4 nội dung chính, trong đó, hợp tác ứng phó đại dịch Covid-19 được đặt lên hàng đầu.

Các nhà lãnh đạo G20 đã thúc đẩy huy động nguồn lực, hợp tác nghiên cứu, sản xuất, phân phối vắc xin kịp thời, minh bạch, bình đẳng và nâng cao năng lực chuẩn bị, khả năng ứng phó với các nguy cơ dịch bệnh trong tương lai. Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hai ngày nhóm họp, G20 khẳng định sẽ bảo đảm quá trình tiếp cận công bằng và hợp lý vắc xin ngừa Covid-19 cho tất cả mọi người.

Về thương mại - đầu tư, nhiều sáng kiến đã được đưa ra nhằm bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư mở, minh bạch, bao trùm, duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời khẳng định ủng hộ các cải cách cần thiết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Về phát triển bền vững, các nhà lãnh đạo G20 đã thể hiện quyết tâm hiện thực hóa SDGs đúng thời hạn, tăng cường trao quyền cho phụ nữ, sử dụng hiệu quả năng lượng, quản lý bền vững nguồn nước, bảo đảm an ninh lương thực, chống suy thoái đất…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự hội nghị trên cương vị khách mời và có bài phát biểu tại 2 phiên thảo luận với các chủ đề: “Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm”; “Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu”. Sự kiện này là hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng của Việt Nam trong năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống toàn cầu.

Những sáng kiến mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại hội nghị đã khẳng định hình ảnh một Việt Nam phát triển năng động, có khả năng thích ứng cao, cởi mở, chủ động hội nhập quốc tế, thể hiện tinh thần xây dựng và đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các vấn đề quản trị kinh tế toàn cầu. Điều này góp phần nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Dù trước mắt còn rất nhiều thách thức, song cam kết đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này có ý nghĩa quan trọng khi thể hiện nỗ lực mạnh mẽ của các quốc gia trong duy trì động lực để bảo vệ hệ thống thương mại toàn cầu cũng như cuộc sống, sinh kế của người dân, hướng tới tăng trưởng bền vững.

Quỳnh Dương