Cần hành lang pháp lý cho xây dựng thành phố thông minh

Kinh tế - Ngày đăng : 14:07, 24/11/2020

(HNMO) - Hội nghị cấp cao Thành phố thông minh 2020 (Smart City Summit) lần thứ tư do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA) tổ chức đã diễn ra sáng nay, 24-11.

Sự kiện được tổ chức qua các nền tảng trực tuyến ở 27 điểm cầu tại 27 tỉnh, thành phố với sự tham gia theo dõi của khoảng 1.000 đại biểu. Hội nghị được Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ.

Các đại biểu thảo luận về bất động sản thông minh tại điểm cầu Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định, các ý kiến chia sẻ, trao đổi, thảo luận của các chuyên gia sẽ giúp có được cái nhìn tổng quan và đa chiều về những xu thế mới trong quản lý và phát triển đô thị thông minh; đồng thời, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Với vai trò là cơ quan chuyên môn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Khung tham chiếu công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) phát triển đô thị thông minh (ngày 3-5-2019), làm cơ sở cho các địa phương xây dựng kiến trúc ICT và triển khai hạ tầng công nghệ số phục vụ phát triển đô thị thông minh.

Hội nghị cấp cao Thành phố thông minh 2020 có 3 chuyên đề với 6 hội thảo, trong đó có các nội dung về: Chiến lược và chính sách xây dựng đô thị thông minh; hạ tầng số cho đô thị thông minh; khu đô thị thông minh - tương lai bất động sản thập kỷ thứ ba; khu công nghiệp thông minh - thế hệ bất động sản công nghiệp thứ tư...

Đáng chú ý, trong nội dung thảo luận về vấn đề phát triển khu đô thị, khu công nghiệp thông minh, ông Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch VINASA cho rằng, các mô hình khu đô thị thông minh hiện nay mới chỉ tập trung vào các giải pháp kỹ thuật mà chưa chú ý đến các yếu tố quy hoạch.

Một số chuyên gia đề cập việc phát triển các khu công nghiệp thông minh với những dịch vụ tiện ích đầy đủ nhằm thu hút đầu tư, đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu... Vì vậy, cần có hành lang pháp lý và cơ chế hợp tác phù hợp.

Liên quan đến vấn đề chính sách quản lý, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tham mưu, tập trung ưu tiên phát triển đô thị thông minh với 9 nhóm nhiệm vụ chính, trong đó có việc xây dựng nền tảng pháp lý và cơ sở đánh giá cho phát triển đô thị thông minh; thiết lập, duy trì, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đô thị số hóa liên thông đa ngành; nghiên cứu ứng dụng, phát triển quy hoạch đô thị thông minh bền vững; đẩy mạnh chính phủ điện tử...

Trong khuôn khổ hội nghị, VINASA sẽ tổ chức trao giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam dành cho các đô thị, dự án bất động sản, khu công nghiệp và các giải pháp số vào cuối giờ chiều nay, với 54 giải thưởng.

Thanh Hà