WHO đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:06, 25/11/2020
Theo Bộ Y tế, từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra cộng đồng đã tăng gấp hai lần. Có tới 88% thuốc kháng sinh được bán tại các thành phố mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỷ lệ này lên đến 91%.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong y học để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết... đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.
"Việc đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập kỷ nay, dẫn đến sự thiếu hụt các kháng sinh có hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng", ông Trần Văn Thuấn nói.
WHO đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Nhiều loại vi khuẩn đã kháng kháng sinh, trong đó tỷ lệ kháng kháng sinh của vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột và tiêu chảy tăng 40% trong 10 năm qua.
Tại buổi lễ, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, một trong những ưu tiên của WHO là tiếp tục hỗ trợ xây dựng năng lực quốc gia cho hệ thống giám sát kháng thuốc và tiêu thụ kháng sinh. Những số liệu này cần phải có một cách cấp bách để hỗ trợ xây dựng chính sách về sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, cộng đồng và để quản lý tình trạng kháng thuốc.
Còn theo đại diện của FAO tại Việt Nam, trong 10 năm tới, lượng kháng sinh dùng trong chăn nuôi dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi, đáp ứng cho nhu cầu thực phẩm. Do đó, ngành lương thực và nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc. Dọc theo từng khâu trong chuỗi thực phẩm cần phải thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm kháng sinh được sử dụng thận trọng và có trách nhiệm để làm chậm lại sự phát triển và lây lan của vi khuẩn kháng thuốc.
Dự kiến, kế hoạch hành động quốc gia về kháng thuốc của Việt Nam sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị cho xây dựng chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2021-2030. WHO, FAO và các đối tác khác đã sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cho nỗ lực này.