Dự án thu phí tự động không dừng ''chạy nước rút'' về đích 31-12

Giao thông - Ngày đăng : 14:50, 25/11/2020

(HNMO) - Ngày 25-11, Bộ Giao thông Vận tải đã thông tin về tiến độ triển khai dự án thu phí tự động không dừng (ETC). Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định đang cùng các đơn vị liên quan và nhà đầu tư BOT, đơn vị cung cấp dịch vụ tháo gỡ vướng mắc để dự án có thể “về đích”, vận hành trước ngày 31-12-2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Việc triển khai thu phí tự động không dừng nhằm bảo đảm minh bạch, thuận lợi cho người tham gia giao thông. Ảnh: Tuấn Khải

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, tính đến tháng 11-2020, giai đoạn 1 gồm các trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số tuyến cao tốc đã triển khai và vận hành hệ thống ETC (40/44 trạm), bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và tăng cường minh bạch trong hoạt động thu phí.

4 trạm còn lại của giai đoạn 1 chưa triển khai là các trạm thuộc hệ thống đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang quản lý, do những vướng mắc về nguồn vốn triển khai, tái cơ cấu các dự án và sự chỉ đạo, điều hành của VEC sau khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong tổng số 33 trạm thu phí thuộc giai đoạn 2, có 8 trạm có tính chất đặc thù kiến nghị không thực hiện hoặc lùi thời gian thực hiện để bảo đảm hiệu quả, gồm 2 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (cầu Mỹ Lợi và Thái Hà trên quốc lộ 50); 3 trạm chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách Nhà nước hoàn trả cho nhà đầu tư (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, Bờ Đậu - Quốc lộ 3, trạm T2 - quốc lộ 91) và 3 trạm trên quốc lộ 51 do thời gian thu phí còn lại quá ngắn (dưới 3 năm) nên việc triển khai ETC không hiệu quả.

Đối với các trạm do địa phương quản lý, Bộ Giao thông Vận tải đã tích cực đôn đốc, phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai. Tại buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải trong tháng 10-2020, cơ bản các địa phương đều cam kết hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong tổng số 15 địa phương với 35 trạm thu phí, 19/35 trạm đã triển khai lắp đặt thiết bị, vận hành và kết nối với dự án của Bộ, 11/35 trạm đang triển khai thực hiện việc lắp đặt thiết bị và đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, 5/35 trạm thuộc các dự án BOT đang trong quá trình đầu tư xây dựng, sẽ triển khai ETC khi đưa dự án BOT vào vận hành khai thác.

Về phía các nhà đầu tư, ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả khẳng định sự thống nhất cao về chủ trương thu phí ETC nhằm minh bạch công tác thu phí và tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng. Hiện, Tập đoàn Đèo Cả đã cho lắp đặt và triển khai hệ thống thu phí ETC tại 3 trạm, gồm trạm Km93 – quốc lộ 1, trạm cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và trạm Bắc Hải Vân (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Đối với các trạm còn lại gồm trạm Ninh Lộc (dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Đèo Cả - Khánh Hòa), trạm Đèo Cả, Cù Mông (dự án mở rộng hầm Đèo Cả qua quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên), mặc dù gặp nhiều khó khăn, song để bảo đảm tiến độ, tập đoàn đang tích cực phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, chủ động kinh phí để đầu tư, lắp đặt và hoàn thiện hệ thống trong tháng 12-2020, sẵn sàng kết nối để đưa hệ thống vào hoạt động.  

“Như vậy, đến ngày 31-12-2020, cơ bản toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc đủ điều kiện triển khai sẽ được lắp đặt, vận hành hệ thống ETC, đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngoại trừ 4 trạm do VEC quản lý, 8 trạm không đủ điều kiện triển khai” – Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Tuấn Lương