Hà Nội: Gần 62% hợp tác xã đạt loại tốt và khá
Nông nghiệp - Ngày đăng : 17:24, 25/11/2020
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.235 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó có 1.090 HTX đang hoạt động (chiếm 88,3%) và 145 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể (chiếm 11,8%). Trong tổng số 1.090 HTX đang hoạt động có 790 HTX tổng hợp, 222 HTX trồng trọt, 50 HTX chăn nuôi, 21 HTX nuôi trồng thủy sản, 1 HTX lâm nghiệp, 6 HTX nước sạch nông thôn.
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả phân loại HTX của các quận, huyện, thị xã, có 947 HTX nông nghiệp đánh giá phân loại, trong đó, HTX đạt loại tốt và khá, chiếm gần 62% (loại tốt 183 HTX, chiếm 19,3% và loại khá 403 HTX, chiếm 42,6%); HTX xếp loại trung bình là 334, chiếm 35,3%; loại yếu là 27, chiếm 2,8%.
Các HTX nông nghiệp có vai trò chủ đạo trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm; hỗ trợ đắc lực cho nông dân yên tâm sản xuất, tăng thu nhập. Tuy vậy, hiện còn nhiều HTX vẫn ở mức trung bình và yếu kém. Một số HTX chưa phát huy vai trò, vị trí và chưa tương xứng với tiềm năng. Hà Nội chưa có nhiều mô hình HTX nông nghiệp thực hiện liên kết chuỗi; ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn...
Tham luận tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp, các HTX cần xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trên cơ sở lợi thế của địa phương; các cấp, các ngành hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị, sản xuất cho cán bộ quản lý HTX và thành viên; hỗ trợ các HTX tiếp cận các chính sách của Nhà nước về vốn, mặt bằng sản xuất, khoa học, kỹ thuật...
Để nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội sẽ thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về HTX, vai trò của kinh tế tập thể, kinh tế HTX, Luật HTX năm 2012 và các văn bản pháp quy liên quan; xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp điển hình, tiên tiến, nhất là các lĩnh vực ngành nghề mới, tạo điều kiện để các HTX mở rộng quy mô, phạm vi, địa bàn hoạt động với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ; ưu tiên phát triển các HTX nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, sản xuất giống, bảo quản, chế biến nông sản.