Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc tại tỉnh Cà Mau

Chính trị - Ngày đăng : 20:50, 25/11/2020

Ngày 25-11, tại tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã tới khảo sát bãi bồi bờ kè tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển; làm việc tại Công ty cổ phần Chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau; làm việc tại Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khảo sát bãi bồi bờ kè tại xã Đất Mũi, huyện Năm Căn. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Cùng tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải…

Khảo sát tình hình sạt lở bờ biển tại khu vực bãi bồi bờ kè ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, trước diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, tình hình sạt lở dẫn đến mất rừng phòng hộ xung yếu do chịu tác động bất lợi từ sóng biển và triều cường dâng cao. Do đó, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển được xem là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương, cùng sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.

Cùng với tăng cường nâng cao nhận thức về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tỉnh cần phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc phạm vi của tỉnh, tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động ven sông, ven biển có nguy cơ làm tăng rủi ro về sạt lở đất.

Cùng với đó, Cà Mau hiện đại hóa công tác quan trắc, tiếp tục xây dựng các công trình phòng, chống, khắc phục sạt lở, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

* Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội đã thăm Trường Mẫu giáo Sơn Ca và Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Thạnh Hưng tại ấp Hợp Tác Xã, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, Cà Mau. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng chứng kiến người dân địa phương, các thầy cô giáo, các em học sinh có trường lớp khang trang tại xóm ấp. 

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đã trao biểu trưng tặng một ti vi và 250 thùng sữa; trao học bổng cho học sinh là con em các hộ nghèo tại địa phương. Đại diện một số doanh nghiệp đã trao biểu trưng xây 20 căn nhà Đại đoàn kết cho tỉnh Cà Mau, trao máy tính, quỹ học bổng cho Trường Mẫu giáo Sơn Ca và Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Thạnh Hưng, trao 500 bồn chứa nước cho xã Tân Hưng.

* Chiều cùng ngày, thăm và làm việc tại Công ty cổ phần Chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, với việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với tận dụng những ưu đãi, doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua hàng loạt hàng rào phi thuế quan, tuân thủ nguyên tắc, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại quốc tế.

Năm 2020, doanh nghiệp thủy sản này có những nỗ lực vượt qua những khó khăn từ khi có dịch Covid-19. Mười tháng qua, công ty đã xuất khẩu đạt trên 150 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2019 đạt 99%.

Chia sẻ với doanh nghiệp về khó khăn do thiếu nhân công, chi phí nuôi trồng cao nên nguồn nguyên liệu thủy sản đầu vào có giá thành cao, sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo địa phương, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, địa phương tiếp tục tạo điều kiện để người dân nuôi trồng thủy sản chủ động nguồn nguyên liệu con giống, thức ăn tại chỗ. Địa phương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trong việc nạo vét luồng lạch để có nước mặn nuôi tôm, luồng nước ngọt trồng lúa. Về phía các ngân hàng, chủ trương chính sách tài khóa chặt chẽ, nhưng chính sách tiền tệ cần linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong vay vốn. Quốc hội sẽ xem xét để điều chỉnh các quy định pháp luật sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

* Làm việc tại Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, tại phòng điều khiển trung tâm của Nhà máy Đạm Cà Mau, nói chuyện với cán bộ, đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật nhà máy, Chủ tịch Quốc hội vui mừng khi doanh nghiệp thực hiện tốt mục tiêu kép trong hoạt động sản xuất và vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau đã hoàn thành kế hoạch sản xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với sản lượng 800.912 tấn sản phẩm đạm urê. Dự kiến, cuối năm nay, Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau sẽ đạt kỷ lục về sản lượng 935.000 tấn sản phẩm đạm urê, vượt 116% công suất thiết kế và với kỷ lục vận hành liên tục.

Đặc biệt trong năm 2020, Nhà máy Đạm Cà Mau được đánh giá là một trong top 10 nhà máy sử dụng công nghệ TOPSOE Đan Mạch hiệu quả nhất, với mức tiêu hao rất thấp. Đội ngũ kĩ sư Nhà máy Đạm Cà Mau đã duy trì và vận hành nhà máy an toàn, ổn định, giúp tiết giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất, xấp xỉ 120 tỷ đồng trong năm 2020 với các giải pháp cải tiến như: Thiết kế tối ưu hệ thống trao đổi nhiệt, tận dụng nguồn nhiệt thừa, cải tạo hệ thống tách CO2, linh hoạt trong chế độ vận hành, lắp đặt các hệ thống gia nhiệt mê tan hóa và cải tiến hệ thống thu hồi hydro đã giúp rút ngắn thời gian khởi động nhà máy từ 46 tiếng xuống còn 39 tiếng…

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao tinh thần lao động của cán bộ, kĩ sư, công nhân, người lao động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung, mặc dù khó khăn do Covid-19 nhưng vẫn duy trì sản xuất kinh doanh. Khí - Điện - Đạm Cà Mau là cụm công nghiệp hoạt động rất thành công (hằng năm đóng góp khoảng 1.400 tỷ đồng cho ngân sách), đóng góp cho an sinh xã hội của địa phương...

Chủ tịch Quốc hội cho biết, sắp tới ngoài việc xem xét, cho ý kiến đưa vào chương trình sửa đổi Luật Dầu khí, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bàn về chính sách thuế đối với phân bón nói chung; đồng thời đề nghị lãnh đạo Tập đoàn có báo cáo cụ thể về những vướng mắc trong thực hiện chính sách thuế đối với phân bón. Tinh thần chung là theo nguyên tắc phải bảo đảm người nông dân mua phân bón chất lượng cao, giá cả hợp lý.

Theo Hoàng Thị Hoa/TTXVN