“Truyện Kiều” - "tấm căn cước văn hóa” của người Việt
Văn hóa - Ngày đăng : 19:17, 26/11/2020
Theo thống kê của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Sông Hương, hiện có tới 75 bản dịch “Truyện Kiều” trong 20 ngôn ngữ, nhiều nhất là bản dịch tiếng Anh với số lượng 18 bản, tiếng Pháp với số lượng 12 bản, tiếng Trung 11 bản và tiếng Nhật 5 bản. Ngoài ra, còn bản dịch ở nhiều ngôn ngữ như tiếng Nga, Ba Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đức, Hy Lạp, Ả Rập, Bulgaria…
Mỗi bản dịch của “Truyện Kiều” là một cách đọc, một cách tái tạo tác phẩm của Nguyễn Du trong một ngôn ngữ khác, một nền văn hóa khác. Học giả Nguyễn Văn Vĩnh, với mong muốn truyền bá chữ quốc ngữ và giới thiệu rộng rãi với người Việt Nam cũng như người nước ngoài một kiệt tác văn học của dân tộc, từng bỏ nhiều công sức chuyển “Truyện Kiều” từ chữ Nôm ra quốc ngữ, rồi lại từ quốc ngữ dịch ra tiếng Pháp nhiều lần.
Từ những bản dịch đầu tiên bằng tiếng Pháp của Abel des Michels, Nguyễn Văn Vĩnh, Thu Giang, L.Massé…, “Truyện Kiều” tiếp bước hành trình sang châu Âu với các điểm đến như Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani... Đồng thời, những dịch giả nước ngoài yêu mến “Truyện Kiều” ở Việt Nam và châu Á tiếp tục chuyển ngữ tác phẩm từ tiếng Pháp sang một ngôn ngữ khác trong khu vực như bản tiếng Nhật của Komatsu Kiyoshi, bản tiếng Trung của Hoàng Dật Cầu…
Mặc dù phải đọc qua thêm một “lăng kính” tiếng Pháp, nhưng “Truyện Kiều” vẫn làm người đọc say mê. Dịch giả Komatsu đã dành những lời ngợi ca: “Kim Vân Kiều là một tác phẩm văn học có tình cảm và giá trị lớn lao, có mùi hương và ý vị rất riêng… Tôi nghĩ rằng, đây không chỉ là một tác phẩm văn học ưu tú, mà còn là một tấm gương phản chiếu một cách rõ ràng tâm hồn người An Nam, và còn hơn là một tác phẩm văn học, có thể gọi nó là cuốn kinh được viết ra bởi một thi nhân. Một tác phẩm văn học gắn liền với vận mệnh của một dân tộc như thế là hiếm có trong suốt lịch sử cổ kim Đông Tây”.
Khác với các bản dịch từ tiếng Pháp và qua tiếng Pháp, “Truyện Kiều” được dịch sang tiếng Anh muộn hơn nhiều với bản dịch đầu tiên vào năm 1961 ở Sài Gòn do Lê Xuân Thủy thực hiện. Đây cũng là bản dịch được tái bản nhiều nhất trong tất cả các bản dịch “Truyện Kiều”. Ban đầu, bản dịch gốc là dạng văn xuôi, in song ngữ Việt - Anh ở Việt Nam và in tiếng Anh ở Mỹ, sau này khi tái bản, bản dịch đã được chỉnh sửa, chuyển từ dịch văn xuôi sang dịch thơ.
Tuy bản dịch “Truyện Kiều” bằng tiếng Anh ra đời muộn hơn, song đến nay lại là ngôn ngữ chiếm nhiều nhất trong số các bản dịch “Truyện Kiều”. Rất nhiều dịch giả đã và đang tiếp tục thử sức với việc chuyển thể “Truyện Kiều” ra tiếng Anh, góp phần đưa “Truyện Kiều” trở nên phổ biến hơn trong cộng đồng các nước nói tiếng Anh, trong đó được đánh giá cao là bản dịch của Huỳnh Sanh Thông.
Giáo sư Alexander B. Woodside chuyên về lịch sử Đông Nam Á, lịch sử Trung Quốc đã nhận xét: “Nhờ vào lao động miệt mài và trí tưởng tượng nghệ thuật của Huỳnh Sanh Thông, một tổng hợp văn học tuyệt vời của Việt Nam đã hòa nhập vào thế giới tiếng Anh… Tất cả sinh viên lịch sử và văn minh Đông Á, Đông Nam Á sẽ vô cùng biết ơn Huỳnh Sanh Thông đã đem lại cho dân tộc nói tiếng Anh một bản dịch sắc sảo và kỹ lưỡng của một trong những đỉnh cao văn học châu Á”.
Với mong muốn “Truyện Kiều” được phổ biến và lưu truyền ở trong và ngoài nước, những năm gần đây, “Truyện Kiều” tiếp tục được các dịch giả chuyển ngữ sang tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, tiếng Hungary. Theo TS. Giáp Văn Chung, từ khi “Truyện Kiều” được dịch ra các ngôn ngữ khác, nó đã trở thành một thứ “căn cước văn hóa”, lan tỏa những giá trị văn hóa Việt ra khắp năm châu.