Hà Nội chú trọng giảm mất cân bằng giới tính khi sinh
Đời sống - Ngày đăng : 13:32, 26/11/2020
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND ngày 6-12-2016 của HĐND thành phố Hà Nội về một số giải pháp tăng cường công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết 15), do Ban Chỉ đạo Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội tổ chức ngày 26-11.
Dự hội nghị có: Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Ngọc Lan…
Tỷ số giới tính khi sinh đạt 113 trẻ trai/100 trẻ gái
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố đạt và vượt các chỉ tiêu của Nghị quyết 15 đề ra. Dự kiến năm 2020, dân số Hà Nội là khoảng 8,3 triệu người, chiếm 8,4% dân số cả nước. Về cơ cấu dân số, thành phố đã bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh: Tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ em nam/100 trẻ em nữ) dự kiến năm 2020 là 113/100, giảm 2 điểm phần trăm so với năm 2015. Cùng với đó, tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc hằng năm đều tăng.
“Hằng năm, Sở Y tế và 30 quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch, các hoạt động tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh đến xã, phường, thị trấn. Nhờ đó, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2016-2020 đã giảm”, ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa cho biết, thực hiện Nghị quyết 15, các cấp công đoàn của thành phố tập trung vận động mỗi gia đình công nhân, viên chức, lao động nên sinh đủ 2 con, không lựa chọn giới tính khi sinh, không sinh con thứ ba trở lên.
Mặc dù đã đạt và vượt các chỉ tiêu của Nghị quyết 15, nhưng công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn. Trong đó, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn cao và đặc biệt là xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh ở khu vực ngoại thành còn ở mức rất cao. Cụ thể, huyện Thường Tín có tỷ số giới tính khi sinh là 114 trẻ em nam/100 trẻ em nữ. Hai huyện Hoài Đức và Quốc Oai có tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cao nhất thành phố, với 14,34% và 13,17% so với mức trung bình của thành phố là 6,63%.
Cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu quan trọng là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số, từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên (không vượt quá 111 trẻ trai/100 trẻ gái)...
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng Nguyễn Hoàng Yến kiến nghị: “ Cần sớm có Luật Dân số, trong đó, phải đưa các nội dung sàng lọc là tiêu chuẩn cho đầu vào cấp tiểu học, đưa tiêu chí kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân vào việc đăng ký kết hôn”.
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Đặng Thị Phương Hoa đề xuất: “Cùng với nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, cần chấm dứt tình trạng lạm dụng khoa học - công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”.
Cùng với tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng: “Cần tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với khu vực ngoại thành và nội thành, chú trọng giảm sinh ở các địa bàn có mức sinh cao”.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đã đưa ra 5 nhóm giải pháp đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã cần thực hiện. Trước hết, cần tập trung giải quyết toàn diện và đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp theo đó, cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số, từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Đồng thời, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số; góp phần phát triển Thủ đô nhanh, bền vững.
“Dân số - kế hoạch hóa gia đình là công tác xã hội cần sự tham gia, hưởng ứng của toàn xã hội. Vì thế các ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện các nội dung trọng tâm, trọng điểm về công tác dân số và phát triển của thành phố những năm tiếp theo”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh.