Khẳng định vị thế trong trụ cột kinh tế đất nước

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:58, 26/11/2020

(HNM) - Gần 60 năm xây dựng và phát triển (27/11/1961 - 27/11/2020), ngành Dầu khí Việt Nam đã và đang vươn lên trở thành một ngành kinh tế quan trọng, trụ cột trong nền kinh tế Việt Nam. Những nỗ lực của Ban lãnh đạo và người lao động Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) vững vàng vượt khủng hoảng kép trong năm 2020 là những minh chứng sống động nhất cho điều này.

Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) đã và đang đóng góp tích cực cho nền kinh tế đất nước.

Ngành Dầu khí Việt Nam đã trải qua một hành trình phát triển nhiều kỳ tích, từ “không” đến “có”, đã biến nhiều điều không thể thành có thể. Lớp lớp thế hệ “Những người đi tìm lửa” đã cống hiến không mệt mỏi, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng hàng đầu của đất nước, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đến nay, Petrovietnam đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng đất nước. Trong đó, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi. Những hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam của Petrovietnam cũng góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Có thể khẳng định, bước tiến lớn nhất của Petrovietnam là việc vươn mình làm chủ khoa học công nghệ dầu khí. Với việc tìm ra dầu ở tầng đá móng Bạch Hổ, Petrovietnam đóng góp lớn về lý luận và thực tiễn cho khoa học dầu khí thế giới cũng như đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Năm 2020 cũng đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Petrovietnam. 2020 - lần đầu tiên trong lịch sử, ngành Dầu khí trải qua cơn khủng hoảng kép - giá dầu giảm sâu, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm do tác động của đại dịch Covid-19. Trong lịch sử, Petrovietnam từng trải qua nhiều thời kỳ khó khăn, có những thời điểm khủng hoảng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng giai đoạn này mới là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử phát triển của ngành Dầu khí, sóng gió ập đến từ nhiều phía.

Bên cạnh đó, Petrovietnam đã và đang phải đối diện với nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, đó là Quy chế tài chính chưa được ban hành; Luật Dầu khí không còn phù hợp, chưa được sửa đổi; các khó khăn thị trường, dịch bệnh; về nguồn lực, cả tài chính và con người, về hoạt động đầu tư… Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên toàn Tập đoàn đã vững vàng, kiên trì triển khai đồng bộ các gói giải pháp ứng phó, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, an toàn nên Petrovietnam vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế.

Cụ thể, sản lượng quy dầu lũy kế 10 tháng năm 2020 ước đạt 17,32 triệu tấn, vượt 2,3% kế hoạch; doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 464,5 nghìn tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn ước đạt 58,3 nghìn tỷ đồng (đạt 86% kế hoạch). Sản lượng sản xuất phân bón trong Tập đoàn duy trì ở mức cao, tháng 10 vượt 42,7% kế hoạch; lũy kế 10 tháng vượt 11,9% kế hoạch. Trong 10 tháng năm 2020, toàn Tập đoàn đã thực hiện tiết giảm 8.111 tỷ đồng, đạt 87% so với mục tiêu tiết giảm cả năm.

Năm 2020, Petrovietnam là một trong số ít các doanh nghiệp dầu khí trên thế giới ghi nhận các chỉ tiêu tài chính tích cực, không thua lỗ trong bối cảnh thị trường dầu khí toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này càng thể hiện rõ năng lực, bản lĩnh của ngành Dầu khí.

Trung Hiếu