Ăn vặt tùy trường hợp

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:10, 27/11/2020

(HNM) - Ăn vặt là khi ăn hoặc dùng đồ uống giữa các bữa ăn chính thông thường hằng ngày, thực phẩm ăn vặt thường được chế biến sẵn, có hàm lượng calo cao, như khoai tây chiên, bánh quy, các loại hạt khô...

Ăn vặt nhiều sẽ ảnh hưởng đến cân nặng vì khi ăn có thể giúp giảm cảm giác đói bụng tức thời nhưng không gây no tới mức khiến người ăn vặt giảm ăn ở bữa chính. Mặt khác, ăn vặt cũng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

Nghiên cứu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2 của các bác sĩ dinh dưỡng cho thấy, nếu ăn hai bữa chính mỗi ngày sẽ giúp cho lượng đường trong máu thấp hơn, độ nhạy đối với nội tiết tố insulin tốt hơn và có thể giảm cân nhiều hơn so với việc ăn vặt giữa các bữa chính mỗi ngày.

Thực tế cũng cho thấy, đồ ăn vặt có hàm lượng chất xơ thấp, trong khi đó đồ ăn có chất xơ cao hơn được chứng minh là có tác dụng với việc ổn định lượng đường trong máu ở những người bị mắc bệnh và không mắc bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên, với những người thường xuyên phải di chuyển, lao động vất vả, không có điều kiện để thường xuyên ăn các bữa đủ chất thì có thể áp dụng cách ăn vặt lành mạnh để tăng thêm lượng calo cho cơ thể. Nên ăn loại đồ ăn nhẹ với lượng phù hợp, cần thay đổi căn cứ trên mức độ hoạt động và số lượng của bữa ăn, nếu sinh hoạt hay làm việc năng động có thể ăn vặt hai lần mỗi ngày, trái lại người ít vận động có thể dùng chỉ một bữa ăn vặt hoặc thậm chí không ăn vặt.

Có nhiều loại đồ ăn vặt khác nhau, nhưng việc lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng, lành mạnh vẫn là điều quan trọng nhất. Theo đó, để có bữa ăn vặt tốt, bao gồm cả protein và chất xơ chúng ta có thể ăn phô mai que, trứng luộc, sa lát dưa chuột - cà chua, trái cây, hạt hướng dương… giúp làm giảm cơn đói bụng, tăng vitamin cho cơ thể.

Sa Chi