Võ Diệu Thanh và một thế giới khác
Sách - Ngày đăng : 17:29, 27/11/2020
Có người nói rằng văn chương đã ưu ái Võ Diệu Thanh. Nhưng thử hỏi, nếu chị không nỗ lực theo đuổi văn chương, liệu thần may mắn có mỉm cười thêm lần nữa. Người xưa có câu: “Đường dài mới biết ngựa hay”, cuộc hành trình hơn hai thập niên với văn chương của Võ Diệu Thanh đã nói lên điều đó. Miệt mài viết lách, nữ nhà văn của Đồng bằng sông Cửu Long luôn nỗ lực làm mới mình. Các sáng tác của chị thuộc nhiều thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự, biên khảo.
Để biến văn chương thành tri kỷ, nhà văn phải luôn miệt mài khai phá nguồn năng lượng còn tiềm ẩn trong chính mình. Đừng nên bó buộc bản thân ở một thể loại dù nó đã mang tới cho tác giả những thành công nhất định. Đó là điều mà nữ văn sĩ đất An Giang luôn tâm niệm.
Những độc giả đã dõi theo Võ Diệu Thanh từ những ngày đầu cầm bút đều bất ngờ với nỗ lực biến hóa không ngừng của chị. Tập truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược và tiểu thuyết Lần đầu thấy trăng đều tập trung khai phá những góc khuất trong tâm hồn người phụ nữ truân chuyên, vất vả. Nếu hai tác phẩm này đều cho chúng ta thấy một Võ Diệu Thanh quen thuộc, một người đàn bà thâm trầm, gai góc nhưng cũng rất đỗi vị tha và giàu tình cảm, thì đến tập ký sự Về từ hành tinh ký ức và biên khảo Muôn dặm sầu giăng, Võ Diệu Thanh đã thật sự lột xác. Chị bước ra khỏi địa hạt của sự hư cấu và bước tới vùng đất mới của phi hư cấu. Văn chương không chỉ có những câu chuyện tồn tại trong trí tưởng tượng của nhà văn; hiện thực cuộc sống, giá trị lịch sử và những ký ức không thể nào quên của dân tộc cũng là chất liệu đáng quý của văn chương mà nhà văn phải góp phần gìn giữ.
Nếu trôi miên man trong dòng tâm tưởng của Võ Diệu Thanh, mảnh đất An Giang hiện lên một cách rất sống động. Chị đã viết về quê hương mình một cách rất tự nhiên, tạo nên được một “không khí vùng miền” đậm nét, không lẫn lộn. An Giang đã được khắc họa một cách trọn vẹn qua trang viết của Võ Diệu Thanh.
Là cô giáo dạy mỹ thuật ở một trường tiểu học, ngoài cầm bút thì việc cầm cọ vẽ và làm bạn với bầy trẻ nhỏ chính là một thế giới khác của chị. Võ Diệu Thanh từng tâm sự: Dạy học hay viết văn đều là nghề tay phải. Chúng đều cho chị nguồn sống và năng lượng để sáng tạo mỗi ngày.
Những câu chuyện ngộ nghĩnh, lý lắc mà vô cùng thú vị của đám học trò đang tuổi ăn, tuổi chơi đã đem lại cảm hứng để Võ Diệu Thanh bắt tay vào sáng tác cho thiếu nhi. Hai tập truyện Tiền của thần cây và Siêu nhân cua giống như một món quà đặc biệt chị dành tặng cho những cô cậu học trò đáng yêu của mình. Những đứa trẻ đáng yêu ấy đã giúp Võ Diệu Thanh khai phá một góc khác trong tâm hồn mình.
Khi viết cho độc giả nhỏ tuổi, Võ Diệu Thanh không kể chuyện bằng tâm thế của một người lớn. Thay vào đó, chị “hóa thân” rất ngọt vào vai một đứa trẻ để kể câu chuyện của chính mình. Các sáng tác dành cho thiếu nhi của chị được các bạn nhỏ cùng nhiều phụ huynh yêu thích vì chúng mang đậm tính giáo dục nhưng được kể rất tự nhiên, không hề khiên cưỡng.
Hơn hai mươi năm qua, nhà văn Võ Diệu Thanh luôn miệt mài cầm bút. Ngoài viết văn, hiện chị đang là giáo viên mỹ thuật, giảng dạy tại Trường Tiểu học Chợ Vàm C (huyện Tân Phú, tỉnh An Giang).