Gắn kết chặt chẽ
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 28/11/2020
Tuy nhiên, xét tổng thể thì hiệu quả hợp tác giữa Hà Nội - các địa phương và ngược lại còn chưa tương xứng với tiềm năng. Những “mắt xích” liên kết quan trọng để thu hút du khách như chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng… chưa thể hiện rõ nét. Trong đó phải kể đến sự thiếu vắng những sản phẩm du lịch mang tính liên vùng, liên địa phương hoặc chưa có tính tương hỗ cùng phát triển. Những điểm hạn chế này phần nào kìm hãm sự phát triển bền vững của ngành Du lịch.
Là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, phát triển du lịch không chỉ khu trú trong một vùng nhất định mà luôn phải vươn ra khỏi phạm vi một địa phương. Đặc biệt, với Thủ đô Hà Nội - một điểm đến hấp dẫn không chỉ ở trong nước, thì việc liên kết với các địa phương khác để phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, bền vững càng trở nên cấp thiết. Muốn thực hiện hiệu quả việc này phải đặt trong tầm nhìn dài hạn để có thể định vị thương hiệu du lịch liên vùng, liên địa phương có giá trị và sức hấp dẫn riêng.
Giải pháp quan trọng trước tiên là liên kết phát triển sản phẩm du lịch. Đặc biệt, với thế mạnh của Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung có thể xây dựng sản phẩm du lịch liên kết là tour du lịch theo chủ đề văn hóa - di sản, sinh thái, lễ hội, biển… Để đạt hiệu quả, mỗi địa phương cần hình thành các thương hiệu, sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc. Sản phẩm du lịch được tạo dựng phải làm sao vừa tạo tính kết nối xuyên suốt giữa các địa phương, vừa phát huy lợi thế riêng, tránh trùng lặp.
Bên cạnh đó, cần coi trọng hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Cụ thể hơn là hợp tác chặt chẽ để quảng bá hình ảnh điểm đến chung của các địa phương. Cung cấp các ấn phẩm, tài liệu cho khách qua các kênh, như: Cơ quan đại diện ngoại giao, hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch... Đồng thời đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Để làm tốt những việc trên cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực du lịch. Việc này phải nhìn trên tổng thể chung và dựa vào đặc điểm của từng địa phương, khu vực để có sự chuẩn bị phù hợp với nhu cầu, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Ở góc độ hạ tầng phát triển du lịch, các địa phương cần tạo môi trường đầu tư thông thoáng; kêu gọi và thu hút các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, ngành Du lịch nói riêng. Tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển du lịch liên địa phương, thay đổi tư duy từ phát triển “điểm du lịch” thành “vùng du lịch”. Cùng với đó là tập trung hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch địa phương trên cơ sở bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương, phát huy tối ưu tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Ngoài ra, cần hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, bảo đảm thực hiện nguyên tắc phát triển du lịch bền vững. Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong kinh doanh du lịch, dịch vụ phục vụ du khách, ngăn chặn cho được các hành vi nâng giá, “chặt chém”, lừa gạt du khách.
Gắn kết chặt chẽ và bền vững sẽ gây dựng được tour, tuyến du lịch hiệu quả, hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá Việt Nam.