Kết nối du lịch Bến Tre - Trà Vinh: Phát huy thế mạnh vùng miệt vườn, sông nước
Du lịch - Ngày đăng : 19:55, 28/11/2020
Hợp tác để bứt phá
Bến Tre - Trà Vinh cùng nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, được nối liền bởi cầu Cổ Chiên và có vị trí giao thông thuận lợi. Hai địa phương này đều sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú. Nếu như Bến Tre có lợi thế về du lịch sinh thái đặc trưng của vùng sông nước xứ dừa gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử vẻ vang thì Trà Vinh là vùng đất mang nét đặc trưng của sự giao thoa, chuyển vùng từ đồng bằng sang vùng biển, là nơi gắn bó lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, hình thành nên nền văn hóa đa sắc và đậm tính bản địa.
Tuy nhiên, so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch Bến Tre và Trà Vinh vẫn ở tốp cuối. Cùng với đó, dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hai địa phương. Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh chia sẻ: “Sau khi dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, thị trường khách du lịch nội địa dần phục hồi, hai địa phương cùng tổ chức chương trình quảng bá du lịch với chủ đề "Bến Tre - Trà Vinh kết nối tuyến du lịch sông nước hữu tình" trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2020 vừa qua với mong muốn chia sẻ thông tin, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, nhằm tiếp tục đưa khách về Bến Tre, Trà Vinh”.
Nhấn mạnh đến sự hợp tác giữa hai địa phương và Thủ đô, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: “Những năm qua, thành phố Hà Nội và hai tỉnh Bến Tre, Trà Vinh đã có sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Trên cơ sở đó, ba địa phương đã kết nối các doanh nghiệp để xây dựng và khai thác có hiệu quả các sản phẩm phù hợp. Mỗi địa phương có lợi thế, sức hấp dẫn riêng về vị trí địa lý, tài nguyên và nguồn lực phát triển, vì vậy, cần kết nối các chuỗi giá trị tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình để cung cấp cho du khách những trải nghiệm tốt nhất”.
Xây dựng sản phẩm khác biệt
Do nằm sát nhau nên Bến Tre và Trà Vinh có nhiều nét tương đồng, là điều kiện thuận lợi để xây dựng sản phẩm du lịch chung nhưng phải bảo đảm không có sự trùng lặp về sản phẩm. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho rằng: “Bến Tre và Trà Vinh cần quan tâm, phát triển các sản phẩm du lịch vui chơi giải trí, mua sắm, nghỉ dưỡng... để đáp ứng nhu cầu của du khách, đồng thời khắc phục tình trạng trùng lặp sản phẩm. Cần đánh thức tiềm năng và biến thành sản phẩm, tạo sức hấp dẫn cho điểm đến, thu hút du khách đến với hai tỉnh nhằm phát triển kinh tế du lịch, đóng góp tương xứng cho GDP của cả nước đồng thời góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân”.
Góp ý về việc xây dựng sản phẩm liên kết của Bến Tre và Trà Vinh, Giám đốc Công ty du lịch Mr Linh’s Adventures Nguyễn Tuấn Linh hiến kế: Mỗi tỉnh đều có thế mạnh khác nhau nhưng quan trọng là phải tìm ra những sản phẩm “chìa khóa” để giới thiệu, quảng bá hình ảnh của tỉnh mình. Hiện nay, xu thế du lịch đang thay đổi, đặc biệt là xu hướng phát triển du lịch nông nghiệp với các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Đó là “chìa khóa” để xây dựng các sản phẩm khác biệt kết hợp với việc tiêu thụ nông sản địa phương. Ngoài ra, cần chú ý rằng những sản phẩm nông nghiệp sạch hay mô hình farmstay (du lịch nông trại) hiện đang phát triển rất mạnh ở Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Công ty du lịch sinh thái Cái Cấm - Mỏ Cày Trì Văn Nghiệp cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng nhiều sản phẩm đặc trưng gắn với thế mạnh của từng tỉnh. Với Bến Tre là sản phẩm “Con đường dừa” kết nối với Trà Vinh. Tham gia tour này, du khách sẽ được tham quan chợ dừa ở Bến Tre, tìm hiểu công nghệ sản xuất các sản phẩm từ dừa, đạp xe khám phá vườn dừa, tìm hiểu nghệ thuật hái dừa truyền thống của người Bến Tre. Đến với Trà Vinh, du khách sẽ bị thu hút bởi sức hấp dẫn của văn hóa Khmer đậm đặc trong lối sống của người dân, được trải nghiệm làm bánh, cốm dẹp, mặt nạ hay xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Đây là sản phẩm nổi bật, có sức hấp dẫn đối với du khách ở Hà Nội và khách du lịch quốc tế trong tương lai”.