Ngăn ''rác'' quảng cáo quay trở lại
Đời sống - Ngày đăng : 06:17, 28/11/2020
Người bóc cứ bóc, người dán cứ dán
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của quận Cầu Giấy đã rà soát, thống kê được 118 số điện thoại quảng cáo rao vặt vi phạm; xử phạt 4 trường hợp quảng cáo rao vặt và 1 trường hợp treo băng rôn trái phép, phạt 37 triệu đồng. Trong khi đó, lực lượng chức năng quận Hai Bà Trưng bóc, xóa hơn 12.000 quảng cáo rao vặt, tháo dỡ hàng nghìn băng rôn treo trên các gốc cây, cột điện… Thế nhưng, tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, tình trạng "người bóc cứ bóc, người dán cứ dán" xuất hiện trên không ít tuyến phố ở Thủ đô trong thời gian gần đây.
Theo khảo sát ngày 25-11 tại quận Cầu Giấy, khu vực ngõ 181 Xuân Thủy, phố Duy Tân, phố Phạm Văn Bạch có rất nhiều cột điện, bức tường các trường học biến thành nơi quảng cáo gia sư, cho vay tiền… Còn từ số 160 đường Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Mai Dịch (dài khoảng 500m), có 15 tủ điện bị tờ rơi “tấn công”.
Chị Nguyễn Thu Trang, nhà ở trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) cho biết: “Ngày nào đi làm qua đường Phạm Văn Đồng tôi cũng nhìn thấy các tủ điện bị dán tờ rơi quảng cáo trông rất nhếch nhác”. Tương tự, tại các tuyến phố Đại Cồ Việt, Minh Khai, Bạch Mai… (quận Hai Bà Trưng), các quảng cáo dịch vụ thông tắc bể phốt, bốc vác… xuất hiện tràn lan ở nhà chờ xe buýt, cột tín hiệu giao thông...
Còn tại quận Đống Đa, bất chấp biển cảnh báo “Có điện nguy hiểm, không lại gần”, các tờ rơi rao vặt từ mua bán, cho thuê nhà, mua bán xe ô tô, sửa xe... dán kín bề mặt một số trạm biến áp ở phố Lê Duẩn. Trước cổng Công viên Thống Nhất (phía đường Lê Duẩn), tờ rao vặt mua bán ô tô, ép bằng nhựa được đóng đinh trên thân hai cây xà cừ. Trên bức tường ở phố Tam Khương (đoạn giao với phố Tôn Thất Tùng) chi chít tờ rơi. Tại khu tập thể Trường Đại học Thủy lợi (phường Trung Liệt), khu tập thể Kim Liên cũng nhan nhản rao vặt cho sinh viên thuê nhà, vay vốn không cần thế chấp...
Chỉ ra nguyên nhân "rác" quảng cáo tái xuất, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp cho rằng, một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn thiếu ý thức khi vẫn cố tình vi phạm dù biết đây là hành vi không đúng pháp luật. Hơn nữa, dù chính quyền các địa phương đã nhiều lần ra quân xóa “rác” quảng cáo, nhưng do lực lượng mỏng nên các đối tượng lợi dụng lúc vắng lực lượng chức năng để vi phạm.
Quyết liệt dọn “rác” quảng cáo
Thực tế cho thấy, giải pháp hữu hiệu là lực lượng chức năng ở các địa phương thường xuyên tổ chức bóc, xóa quảng cáo rao vặt trái phép; trong đó, cần tăng cường vai trò tự quản ở cấp cơ sở. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Ngọc Anh, thông qua các cuộc họp chi bộ, tổ dân phố, UBND các phường trên địa bàn quận sẽ đẩy mạnh việc phổ biến, vận động người dân tham gia phòng, chống nạn quảng cáo rao vặt trái phép.
Còn theo Chủ tịch UBND phường Trung Liệt (quận Đống Đa) Nguyễn Thao Hùng, xác định đây là “cuộc chiến” dài hơi, UBND phường sẽ tiếp tục phát huy vai trò của các đoàn thể để giám sát, xóa quảng cáo rao vặt; vận động người dân khi thấy "rác" quảng cáo là bóc, xóa, tháo dỡ ngay. Hoạt động này được tính điểm thi đua tại các tổ dân phố, khu dân cư để khuyến khích người dân tham gia.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Ngô Văn Nam cho rằng, hiện nay có nhiều khu dân cư đã xây dựng mô hình đường phố xanh - sạch - đẹp và được giao giám sát các hành vi vẽ, dán tờ rơi vi phạm. “Các địa phương cần phát huy vai trò tự quản của các khu dân cư. Đây là những đội “xung kích” xóa “rác” quảng cáo” rất hiệu quả, ông Ngô Văn Nam nói.
Giải pháp căn cơ là ngừng cung cấp dịch vụ đối với những trường hợp vi phạm. Về việc này, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Cầu Giấy Nguyễn Minh Cường cho hay, UBND quận sẽ tiếp tục đôn đốc UBND các phường rà soát số điện thoại vi phạm để quận có văn bản đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội ngừng cung cấp dịch vụ. Còn tại quận Hai Bà Trưng, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, UBND quận đang tổng hợp danh sách các đơn vị biểu diễn nghệ thuật thường xuyên có hành vi treo quảng cáo trên gốc cây, cột điện để đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xem xét ngừng cấp phép hoạt động.
Liên quan đến công tác này, ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng Quản lý bưu chính viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội) cho biết, ngoài việc tiếp tục kiên quyết ngừng cung cấp dịch vụ đối với các chủ số điện thoại vi phạm, Sở sẽ phối hợp với các ngành chức năng, địa phương để chung tay xóa sạch "rác" quảng cáo.