Tri ân cội nguồn, truyền lửa cống hiến

Đời sống - Ngày đăng : 06:28, 28/11/2020

(HNMCT) - Được thành lập từ năm 2017 nhằm “tri ân cội nguồn, lan tỏa giá trị nhân văn”, Câu lạc bộ (CLB) “Ngọn lửa tuổi 20” (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức nhiều chuyến viếng thăm, giúp đỡ các gia đình liệt sĩ khó khăn cùng nhiều chương trình thiện nguyện về vùng sâu, vùng xa.

Là đơn vị thường trực đồng hành cùng Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" (do UBND thành phố Hà Nội thành lập năm 2005), CLB là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, truyền lửa cho thế hệ trẻ hiện thực hóa khát vọng cống hiến cho đất nước.

CLB “Ngọn lửa tuổi 20” tổ chức đêm Trung thu "Trăng sáng trường em" ở xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.

Giữ “ngọn lửa tuổi 20”

Cứ vào đầu mỗi năm học mới, Ban Chủ nhiệm CLB “Ngọn lửa tuổi 20” lại có chiến dịch tuyển thành viên mới. Năm nay, qua 2 đợt, CLB đã tuyển được gần 40 thành viên từ hơn 100 hồ sơ gửi đến, nâng tổng số thành viên của CLB lên gần 140 người. Điều đó cho thấy sức hút mà CLB này mang đến cho sinh viên là vô cùng lớn.

Nhớ lại thời điểm cách đây 2 năm khi gia nhập CLB, Nguyễn Kim Tùng (hiện là sinh viên năm thứ 3, khoa Khoa học quản lý) vẫn nguyên vẹn niềm xúc động. Tùng kể về hành trình đến với miền Trung vào năm 2019, khi em được đi cùng các cựu chiến binh và thân nhân gia đình liệt sĩ đến Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn dự lễ khánh thành Tháp tri ân mang tên “Mãi mãi tuổi 20”, công trình được thực hiện với nguồn kinh phí xã hội hóa từ Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”.

“Rong ruổi cùng CLB đến nhiều địa danh đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc, em thêm trân trọng, biết ơn những người đã ngã xuống vì nền hòa bình, thống nhất đất nước. Trong số thân nhân liệt sĩ từng gặp gỡ, em ấn tượng với bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm khi bà kể về người con gái mạnh mẽ, dũng cảm của mình. Bà dặn chúng em tiếp tục giữ “ngọn lửa tuổi 20” đúng như tên gọi của CLB, bởi theo bà thì lửa là sự sống, niềm tin, hy vọng còn tuổi 20 nhìn từ mọi góc cạnh là lứa tuổi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người”, Tùng chia sẻ.

Là 1 trong 3 CLB trực thuộc Đoàn Thanh niên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, trong những năm qua CLB “Ngọn lửa tuổi 20” đã tổ chức nhiều chương trình tình nguyện giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn, như chương trình “Đông ấm Tây Bắc 2019” tại Sơn La và Điện Biên, “Về với Hà Giang - biên cương Tổ quốc”... Đặc biệt, gần đây, dịp Tết Trung thu 2020, CLB đã tổ chức chương trình “Trăng sáng trường em” cho các em nhỏ ở xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.

Là một thành viên tham gia chuyến đi này, La Dương Liễu (sinh viên năm thứ 2 khoa Đông phương học) cho biết: “Chúng em đã trao tận tay cho các em nhỏ 90 suất quà gồm đồ dùng học tập, đèn ông sao, chăn ấm và đặc biệt là hoàn thành công trình “Tủ sách Ngọn lửa tuổi 20” với 1.000 đầu sách. Tuy đi lại vất vả nhưng chúng em cảm nhận được niềm vui từ ánh mắt các em nhỏ cũng như các thầy, cô giáo và người dân nơi đây khi nhận được những món quà ý nghĩa. Chính điều đó đã tiếp thêm niềm tin, động lực cho chúng em trong những chuyến đi tiếp theo”.

Tác động vào con tim, khối óc

Tiến sĩ Trần Bách Hiếu, Bí thư Đoàn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá, sinh viên tham dự các chương trình của CLB “Ngọn lửa tuổi 20” có những hoạt động ngoại khóa lý thú, bổ trợ cho các môn học trên lớp. Giảng dạy chính trị cũng như nhiều môn học khác ở trường là để hoàn thiện tri thức, thái độ và kỹ năng toàn diện cho sinh viên, tuy nhiên, ở trên lớp dù lý thuyết có được dạy kỹ càng đến mấy thì cũng không thể hằn sâu vào con tim, khối óc của sinh viên như những gì được trải nghiệm qua thực tế.

“Cần tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động trải nghiệm ý nghĩa, giàu tính nhân văn. Đó cũng chính là mục đích của CLB “Ngọn lửa tuổi 20”, là điều mà Đoàn Thanh niên nhà trường hướng tới”, Tiến sĩ Trần Bách Hiếu khẳng định.

Nói về những dự định sắp tới, Chủ nhiệm CLB “Ngọn lửa tuổi 20” Nguyễn Đức Trung cho biết, CLB sẽ cố gắng “mềm hóa”, “gần gũi hóa” công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên thông qua các chương trình giao lưu hay các chiến dịch truyền thông. Bởi giáo dục chính trị vốn dĩ được coi là khô khan, nếu không đổi mới phương thức truyền đạt thì dễ dẫn đến sự nhàm chán.

An Thuyên