Năm 2021: Phấn đấu đưa GRDP của Thủ đô tăng khoảng 7,5%
Kinh tế - Ngày đăng : 18:45, 28/11/2020
Thu ngân sách đạt 100,2% dự toán
Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch năm 2021; định hướng phát triển 5 năm 2021-2025 do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản trình bày tại Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII diễn ra ngày 28-11 cho thấy, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Thủ đô đã đạt những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực trong năm 2020 và 5 năm 2016-2020.
Cùng với việc bước đầu cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 của thành phố ước đạt 3,94%, mức cao so với các địa phương khác và cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 ước thực hiện 279.359 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 3,5% so với thực hiện năm 2019. An sinh xã hội được chú trọng bảo đảm; phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của thành phố tiếp tục được giữ vững...
Tuy nhiên, thành phố cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động ngoài dự báo của đại dịch Covid-19. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của thành phố còn ở mức thấp...
Từ thực tiễn 5 năm qua, thành phố đã đề ra định hướng phát triển 5 năm 2021-2025. Trong đó, mục tiêu tổng quát là: Đến năm 2025, xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, thành phố cũng xác định tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, phấn đấu GRDP tăng khoảng 7,5%... Thành phố cũng đề ra 11 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu. Nổi bật là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao năng lực quản trị của các cấp chính quyền trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI, SIPAS...
Nêu cao tinh thần trách nhiệm
Thảo luận tại tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; định hướng phát triển 5 năm 2021-2025 và kế hoạch năm 2021, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết và trách nhiệm.
Trước hết, các đại biểu đã bày tỏ sự thống nhất cao với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn tới; đồng thời nêu nhiều kiến nghị về quy hoạch Thủ đô; xây dựng chính quyền điện tử; thu hút nguồn nhân lực; triển khai có hiệu quả giải pháp bảo vệ môi trường; tập trung nguồn lực vào các công trình trọng điểm, hệ thống giao thông lớn; phát triển hệ thống phân phối hiện đại trên nền tảng thương mại điện tử; xây dựng nông thôn mới...
Kết luận phiên thảo luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, 35 ý kiến thảo luận của các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến xác đáng nhằm đóng góp hoàn thiện báo cáo. Các ý kiến cũng thể hiện sinh động sự tâm đắc với các chủ đề, chỉ tiêu, mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; cho thấy quyết tâm cao hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao những kết quả khá toàn diện mà Thủ đô Hà Nội đã đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020.
Cùng với các kết quả nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Trong đó, tập trung triển khai hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với kinh phí trên 600 tỷ đồng; giảm, giãn, hoãn cho các doanh nghiệp hơn 25.000 tỷ đồng tiền thuế, phí, tiền thuê đất, chiếm 30,4% của cả nước. "Đây là một trong những kết quả đáng khích lệ mà Thủ đô đã đạt được”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Lưu ý những khuyết điểm, yếu kém cần khắc phục, đồng chí Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội và nhấn mạnh: Thời gian còn lại của năm 2020 không còn nhiều, khối lượng công việc còn lớn và đề nghị người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, tạo tiền đề cho năm 2021 và giai đoạn tiếp theo.
“Trước mắt, cần quan tâm, chăm lo cho người dân, người có hoàn cảnh khó khăn, kể cả những hộ tạm trú trên địa bàn Thủ đô để mọi người, mọi nhà được đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đầm ấm, an lành”, đồng chí Vương Đình Huệ yêu cầu.