Truyện trinh thám: Sức hấp dẫn từ nhân vật phản diện

Sách - Ngày đăng : 05:56, 29/11/2020

(HNMCT) - Quá trình phá án xuất phát từ góc nhìn của các thám tử, cảnh sát, nhân viên pháp y... từ lâu đã là mô típ quen thuộc của thể loại truyện trinh thám. Song với độc giả ngày nay, yếu tố mới, lạ, bất ngờ luôn có sức thu hút cao, trong đó nhân vật phản diện là một trong những điểm hấp dẫn nhất của truyện trinh thám hiện đại...

"Kẻ phản diện quyến rũ" Arsène Lupin là nhân vật gợi cảm hứng cho nhiều tác phẩm trinh thám hiện đại.

Độc giả trinh thám thích... bị lừa

Những năm gần đây, dòng sách trinh thám ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả Việt Nam, bằng chứng là sự tăng trưởng về số lượng độc giả yêu truyện trinh thám và số đầu sách về mảng đề tài này. Các tác phẩm văn học trinh thám nước ngoài được “nhập khẩu” nhiều hơn, không ít trong số đó liên tục được tái bản. Các tác giả trẻ Việt Nam cũng quan tâm đến dòng văn học này với những cái tên quen thuộc như Di Li, Nguyễn Đình Tú, Đức Anh, Nguyễn Xuân Thủy, Kim Tam Long... Tác giả và độc giả của dòng văn học trinh thám đã hình thành nên những cộng đồng đọc chất lượng. Trên mạng xã hội facebook, group “Hội thích truyện trinh thám” có hơn 30 nghìn thành viên thường xuyên thảo luận sôi nổi.

So với các dòng văn học khác, mối quan hệ giữa tác giả và độc giả của truyện trinh thám dường như đặc biệt hơn, bởi lẽ cả hai bên cùng muốn “đấu trí” qua từng trang sách. Tác giả đưa ra các chi tiết, tình huống, những mong đánh lạc hướng độc giả; ngược lại, trong khi vừa đọc vừa suy luận, độc giả lại tìm cách “bắt thóp” tác giả. Và kết quả của một bộ truyện trinh thám thành công là độc giả bị tác giả “đặt bẫy”, bị “bẻ lái” đầy bất ngờ mà vẫn tấm tắc khi biết mình nhận một “cú lừa ngoạn mục”. Nếu quá dễ đoán, truyện trinh thám không còn gì bất ngờ để thu hút độc giả.

Sự mới, lạ, bất ngờ là những yếu tố làm nên sức hút cho tác phẩm trinh thám, trong đó, khai thác kỹ nhân vật phản diện đang là xu hướng của nhiều tác giả.

Lối viết không an toàn

Lâu nay, truyện trinh thám với vị trí nhân vật trung tâm là các thám tử, cảnh sát phá án là kiểu viết cổ điển, khá an toàn. Nhưng với độc giả hiện đại đang ngày càng thể hiện yêu cầu cao thì lối viết đứng từ góc nhìn của nhân vật phản diện sẽ tạo được sự cuốn hút nhiều hơn. Một trong những “kẻ phản diện quyến rũ” nổi tiếng trong dòng văn học trinh thám là siêu trộm Arsène Lupin, “ra đời” từ thế XIX. Chỉ ăn trộm của nhà giàu, dám đương đầu với cảnh sát, tội phạm tài tử Lupin đã làm say mê nhiều thế hệ bạn đọc trên thế giới. Và Lupin là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm trinh thám Việt Nam, như Hồ sơ một tử tù của Nguyễn Đình Tú, Ẩn ức trắng của Kim Tam Long, Tường lửa của Đức Anh...

Nhà văn trẻ Kim Tam Long cho rằng, “chính từ các nhân vật phản diện, chúng ta nhìn ra được một góc tối phía sau của cuộc sống”. Ai đẩy hung thủ đến với tội ác, câu chuyện phía sau tội ác là gì - trả lời những câu hỏi ấy là tác giả cuốn bạn đọc theo hành trình của cuộc đời, số phận nhân vật hơn là nhìn vào vụ án. Những “tiểu thuyết tội phạm học” ấy thay vì dẫn dắt người đọc tin vào nhân vật chính diện, đã đi sâu vào tâm lý nhân vật, vào quá trình hình thành tính cách từ thuở bé thơ, hoàn cảnh gia đình, những tình huống, cảnh ngộ, mối quan hệ trong cuộc đời... Diễn biến ấy khiến bạn đọc khó có thể ngừng đọc, và có đôi khi phải thương cảm, xót xa, nuối tiếc cho nhân vật phản diện.

Chọn một lối đi không an toàn từ các nhân vật phản diện, song dòng sách trinh thám hiện nay không phải là những trang viết bạo lực, rùng rợn, ghê sợ, mà là những câu chuyện nhân sinh. Theo tác giả trẻ Đức Anh, truyện trinh thám không chỉ để bạn đọc giải trí. Độc giả đọc truyện trinh thám với các nhân vật phản diện để từ đó soi chiếu về bản thân mình, về cách ứng xử với những người xung quanh. 

Với cách nhìn ấy, độc giả hy vọng sẽ có thêm nhiều tác giả theo đuổi sáng tác về dòng sách này với sức lôi cuốn, sáng tạo và tính nhân văn đậm nét hơn.

Hạ Yến