Kinh tế rơi vào suy thoái do dịch Covid-19: Thử thách lớn đối với Ấn Độ
Thế giới - Ngày đăng : 07:08, 30/11/2020
Số liệu do Ấn Độ vừa công bố cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ trong quý II của năm tài khóa 2020-2021 (kết thúc vào ngày 31-3-2021) chỉ đạt 33.140 tỷ rupee (tương đương 447 tỷ USD), giảm 7,5% so với quý I. Trước đó, mức sụt giảm trong quý I cũng được mô tả là “khủng khiếp” khi lên tới 23,9%. Với hai quý suy giảm liên tiếp, nền kinh tế quốc gia đông dân thứ hai thế giới chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật.
Trong giai đoạn từ tháng 7 tới tháng 9-2020, chỉ có 3 trên tổng số 8 lĩnh vực kinh tế của Ấn Độ đạt tăng trưởng, nhờ việc chính phủ nối lại một phần các hoạt động sản xuất. Nhóm dịch vụ điện, ga, cấp nước và các dịch vụ tiện ích khác đã tăng 4,4%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,4%. Đáng chú ý, khu vực chế tạo cũng đã tăng nhẹ 0,6%, đây là thành tựu đáng khích lệ sau mức giảm tới 39,9% trong quý đầu năm tài khóa. Tuy nhiên, các hoạt động thương mại, khách sạn, giao thông và liên lạc đã giảm tới 15,6%. Cùng với đó, lĩnh vực hành chính công, quốc phòng và các dịch vụ khác cũng giảm 12,2%. Tuy nhiên, nếu so sánh tương quan các chỉ số giữa hai quý, nền kinh tế Ấn Độ đã bắt đầu phục hồi dù tiến trình này được giới phân tích cảnh báo sẽ đối mặt nhiều khó khăn.
Trước hết, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á vẫn là "điểm nóng" về dịch Covid-19 với hơn 9,3 triệu ca nhiễm cho đến ngày 29-11. Nhiều bang của nước này vẫn phải áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát làn sóng lây lan dịch Covid-19 thứ hai. Kế đến, tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ hiện vẫn ở mức cao, lên tới 7,8% vào ngày 22-11 vừa qua. Cùng với đó, các nền kinh tế đối tác chính của New Delhi như Anh, Mỹ, Đức… đều đang chật vật chống chọi với dịch bệnh.
Thực trạng trên khiến giới phân tích quan ngại về tốc độ phục hồi kinh tế của Ấn Độ trong những tháng tới. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Ấn Độ có thể sẽ giảm 10,3% trong năm tài khóa 2021, là mức lớn nhất trong số các nền kinh tế quy mô lớn mới nổi. Dù lạc quan hơn, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng đưa ra con số dự báo giảm 9,5%. Nhiều dự đoán cũng cho rằng, phải tới sau năm 2025, kinh tế Ấn Độ mới có thể phục hồi trở lại mức trước đại dịch.
Niềm hy vọng lớn nhất của New Delhi lúc này là vắc xin ngừa Covid-19. Việc hãng dược phẩm AstraZeneca mới đây công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng đầy tích cực đối với sản phẩm vắc xin của hãng là một tin tốt bởi Ấn Độ hiện đặt mua số liều vắc xin nhiều nhất từ liên doanh dược phẩm Anh - Thụy Điển.
Chính phủ của Thủ tướng N.Modi cũng đã tung ra nhiều biện pháp trợ lực nền kinh tế mà gần đây nhất là gói kích thích trị giá hơn 35 tỷ USD, công bố vào ngày 12-11. Nhiều chương trình hỗ trợ việc làm cũng được triển khai cùng với gia hạn Chương trình bảo đảm chuỗi tín dụng khẩn cấp đến hết năm tài khóa 2020-2021. Song song những nỗ lực khơi thông các hoạt động đầu tư và thương mại, Ấn Độ còn dành nguồn tài chính dồi dào để thúc đẩy xuất khẩu bên cạnh việc chuẩn bị sản xuất vắc xin ngừa Covid-19.
Là quốc gia thứ hai trên thế giới bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh, sự suy thoái của kinh tế Ấn Độ không nằm ngoài dự liệu. Tuy nhiên, với tiềm lực mạnh mẽ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á vẫn có những điều kiện thuận lợi để bứt phá trong giai đoạn hậu Covid-19, đóng góp cho sự hồi phục của châu lục và toàn cầu.