Vì sự an toàn của chung cư

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:04, 01/12/2020

(HNM) - Là loại hình nhà ở có số lượng lớn cư dân sinh sống nên yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy với nhà chung cư đòi hỏi phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Song, trên thực tế, nỗi lo về “bà hỏa” vẫn hiển hiện khi nhiều tồn tại chưa được khắc phục triệt để…

Đầu tiên phải kể đến là sự chủ quan của chính người dân, khi phần lớn nguyên nhân của 8 vụ cháy xảy ra ở chung cư trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm 2020 đến nay đều do chập điện. Trong khi đó, đây là những tác nhân hoàn toàn có thể phòng trừ nếu gia chủ cẩn trọng khi sử dụng và thường xuyên kiểm tra hệ thống điện. Chưa kể, ý thức của một số hộ dân vẫn còn kém khi đốt vàng mã ngay tại nơi ở, đun nấu ở hành lang chung cư…; các ban quản lý, ban quản trị nhiều nhà chung cư không nhắc nhở, xử lý kịp thời. Càng lo “giặc lửa” khi hiện nay vẫn có hàng chục chung cư dù người dân đã về ở nhưng chưa bảo đảm các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, có 7 chủ đầu tư chây ỳ từ năm 2018 đến nay không thực hiện các yêu cầu của cơ quan chức năng về khắc phục các vi phạm...

Là một trong những địa phương có số lượng nhà chung cư lớn nhất trên cả nước, công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy luôn được thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, nếu không thực hiện đồng bộ các giải pháp thì nguy cơ cháy sẽ khó được kiểm soát hoàn toàn.

Do đó, trước mắt, cơ quan chức năng cần tập trung phân loại, đôn đốc, hướng dẫn và giám sát các cơ sở chưa bảo đảm điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy thực hiện nghiêm việc khắc phục các tồn tại. Với những chung cư khó khắc phục, cơ quan chức năng cần hướng dẫn để chủ đầu tư tìm giải pháp thay thế; với chủ đầu tư chây ỳ, ngoài việc có biện pháp bảo đảm an toàn cho cư dân, cần xử lý nghiêm trách nhiệm của chủ đầu tư, không cho phép triển khai các dự án nhà ở tiếp theo.

Pháp luật về phòng cháy, chữa cháy với nhà chung cư hiện đã khá đầy đủ, việc cần làm là cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn vi phạm ngay từ khi chủ đầu tư triển khai hệ thống phòng cháy, chữa cháy và trong suốt quá trình vận hành. Những chung cư vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy cần được gắn trách nhiệm liên đới với cơ quan, đơn vị, cá nhân được phân công phụ trách địa bàn để tránh việc đổ trách nhiệm chung chung. Đặc biệt, cần tiếp tục công khai danh sách chung cư vi phạm các quy định phòng cháy, chữa cháy để người dân biết.

Việc phòng, chống mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng để không xảy ra sự cố cháy. Vì vậy, cấp thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện chế tài xử phạt vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy với nhà chung cư theo hướng tăng nặng nhằm buộc các chủ thể phải tuân thủ quy định pháp luật.

Ngoài những yếu tố trên, vấn đề cần được chú trọng khác, đó là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân trong các khu chung cư hiểu rõ hơn về quyền, trách nhiệm trong việc bảo đảm các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Nếu căn hộ chưa đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy thì nên từ chối nhận nhà; trường hợp chủ đầu tư ép nhận, cần phản ánh đến chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết… Đặc biệt, mỗi người dân cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng để xử lý hiệu quả các tình huống cháy, giảm thiểu thiệt hại khi có cháy xảy ra.

Xóa bỏ tâm lý chủ quan ở mọi chủ thể và thực hiện đồng bộ các giải pháp, vì sự an toàn của chung cư. Khi đó tính mạng, tài sản của người dân sẽ được an toàn.

Thiện Mỹ