Nguy cơ xung đột mới ở Trung Đông
Thế giới - Ngày đăng : 06:56, 01/12/2020
Ông Mohsen Fakhrizadeh là người đứng đầu Phòng Nghiên cứu và Đổi mới của Bộ Quốc phòng Iran, được nhìn nhận là có vị thế không thua kém tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, người bị hạ sát hồi tháng 1-2020 ở Iraq.
Mặc dù Iran ra sức phủ nhận ông Fakhrizadeh liên quan tới bất kỳ hoạt động nào làm giàu urani, nhưng theo nguồn tin an ninh phương Tây và Israel, nhà khoa học 59 tuổi này được xem là người có vai trò cực kỳ quan trọng trong chương trình hạt nhân Iran. Fakhrizadeh là một nhân vật rất ít khi xuất hiện trước truyền thông, ông luôn được bảo vệ an ninh cẩn mật và chưa bao giờ các nhà điều tra hạt nhân của Liên hợp quốc có thể tiếp cận.
Sau vụ nhà khoa học Fakhrizadeh bị ám sát, các nhà lãnh đạo Iran đã phát đi thông điệp cảnh báo mạnh mẽ về kịch bản trả đũa. Tổng thống Iran Hassan Rouhani quy kết trách nhiệm về cái chết của nhà khoa học hạt nhân cho Israel, đồng thời tuyên bố sẽ có phản ứng phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên, ông H.Rouhani nhấn mạnh, Iran sẽ không vội vã đưa ra các quyết định mà sẽ có sự cân nhắc và tính toán. Trong khi đó, lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei khẳng định, Tehran sẽ theo đuổi đến cùng và trừng phạt những kẻ đã đạo diễn và trực tiếp gây ra vụ ám sát, cũng như tiếp tục những công việc mà ông Fakhrizadeh để lại.
Trước cáo buộc của phía Iran, các cơ sở ngoại giao của Israel trên khắp thế giới ngay lập tức được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Giới chức Israel cũng lên tiếng bác bỏ cáo buộc. Dù chưa thể đi đến kết luận nhưng hành động ám sát nhà khoa học Iran Fakhrizadeh được nhận định sẽ châm ngòi “thùng thuốc súng” Trung Đông. Không loại trừ khả năng sau khi tuyên bố cáo buộc Israel, chính quyền Tehran có thể phát động các hành động trả đũa nhà nước Do Thái hay thậm chí là căn cứ quân sự Mỹ ở khu vực, từ đó dẫn đến nguy cơ bùng phát đối đầu quân sự trực diện tại khu vực.
Nếu Israel được xác định đúng là bên đứng sau vụ ám sát, Iran có thể sẽ đáp trả bằng vũ lực. Iran hiện triển khai lực lượng ở Syria, quốc gia láng giềng của Israel. Hồi tháng 1-2020, khi Mỹ hạ sát tướng Soleimani, Iran không ngần ngại nã tên lửa thẳng vào căn cứ Mỹ ở Iraq, khiến hơn 100 binh sĩ Mỹ bị thương. Israel nhiều lần chỉ trích lực lượng Iran nã pháo vào nước này từ lãnh thổ Syria và cũng công khai không kích các mục tiêu Iran ở Syria. Tuy nhiên, đó thường là các vụ tấn công nhỏ lẻ với vũ khí thông thường, không gây thiệt hại lớn. Nếu hai bên không giữ được bình tĩnh sau vụ việc lần này, nguy cơ bùng phát xung đột diện rộng là điều được dự báo.
Theo các nhà phân tích, sự kiện này sẽ tác động không nhỏ đến tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran. Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, văn kiện này vẫn được duy trì, song có nguy cơ sụp đổ khi Iran ngày càng mất kiên nhẫn với các lệnh trừng phạt của Mỹ và hiện đã rút khỏi một số cam kết đã nêu trong văn kiện. Michael P.Mulroy, cựu quan chức phụ trách chính sách Trung Đông của Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định, cái chết của ông Fakhrizadeh có thể là một bước lùi cho chương trình hạt nhân của Iran. Trong bối cảnh này, tình hình ở "chảo lửa" Trung Đông lại một lần nữa đứng trước nguy cơ bất ổn.