Kinh tế tuần hoàn đủ điều kiện sớm phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 06:38, 01/12/2020

(HNM) - Kinh tế tuần hoàn đã hình thành và gặt hái kết quả tích cực ở nhiều quốc gia. Việt Nam cũng đang manh nha tiếp cận mô hình này. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Thị Hồng Minh khẳng định, kinh tế tuần hoàn là xu thế phù hợp, có đủ điều kiện để sớm phát triển ở Việt Nam.

Đại diện các doanh nghiệp đầu ngành đồ uống và thực phẩm trong buổi ra mắt Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam. Ảnh: Gia Long

- Xin bà cho biết kinh tế tuần hoàn là gì? Tại Việt Nam đã hình thành mô hình này chưa?

- Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) định nghĩa khái quát: Kinh tế tuần hoàn là nơi giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế lâu nhất có thể và đồng thời giảm tối đa chất thải. Mô hình kinh tế tuần hoàn đầy đủ gồm 5 khâu: Thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải và từ chất thải trở thành tài nguyên. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) định nghĩa: Một nền kinh tế tuần hoàn bảo tồn giá trị gia tăng trong các sản phẩm càng lâu càng tốt và hầu như loại bỏ chất thải.

Dù cách định nghĩa khác nhau, nhưng kinh tế tuần hoàn luôn hướng tới mục tiêu cuối cùng là hạn chế hoặc loại bỏ chất thải; tái sử dụng, tái chế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường.

Đối với Việt Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn có thể khắc phục được những hạn chế vốn có của mô hình kinh tế truyền thống, như khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và gây ảnh hưởng xấu đến sinh thái, môi trường. Đến nay, đã có một số mô hình kinh tế tuần hoàn đang được triển khai, như: Mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ; sáng kiến không rác thải ra thiên nhiên do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam khởi xướng; hay như Liên minh tái chế bao bì Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 tất cả bao bì của 9 công ty thực phẩm, nước giải khát đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom, tái chế.

- Vậy, những thuận lợi và khó khăn đối với việc phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là gì, thưa bà?

- Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn có tác động tích cực tới việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Ví dụ, ở Thụy Điển, ước tính lượng chất thải sinh hoạt được tái chế đạt 99%. Nhiều chất thải được tái chế và sử dụng cho các mục đích khác như khí sinh học và năng lượng.

Ngoài học hỏi các nước đi trước, Đảng, Nhà nước ta đã xác định rõ chủ trương, ban hành nhiều chính sách nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tái chế, tái sử dụng. Nhiều yếu tố nền tảng trong khung khổ thể chế phát triển kinh tế tuần hoàn đã bước đầu được hình thành. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ cũng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tuần hoàn...

Tuy nhiên, các yếu tố của kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam vẫn tương đối rời rạc; chưa có chính sách, văn bản pháp luật quy định đầy đủ, hệ thống. Cần lưu ý rằng, tính hệ thống của kinh tế tuần hoàn chính là điểm khác biệt, chứ không chỉ giới hạn ở quản lý chất thải và tận dụng chất thải. Mặt khác, các quy định mới dừng lại ở cấp chính sách, chưa cụ thể hóa thành các kế hoạch hành động. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, rất hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng. Sự lo ngại về chi phí là một thực tế, khiến người dân và doanh nghiệp còn chậm chuyển đổi cách sản xuất và tiêu dùng. 

- Theo bà, Việt Nam liệu đã hội đủ điều kiện để phát triển kinh tế tuần hoàn?

- Phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh hậu Covid-19. Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế tất yếu này. Dù hệ thống pháp lý còn cần bổ sung, hoàn thiện, nhưng những chuyển động từ phía doanh nghiệp và nhận thức của một bộ phận người dân đang có những chuyển biến tích cực.

Cũng cần nói thêm, Việt Nam đang có bước chuyển đổi, hướng đến phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Cụ thể như: Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2010-2020; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 41/NQ-TƯ ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

- Vậy Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương sẽ đóng góp gì vào tương lai của kinh tế tuần hoàn, thưa bà? 

- Với tư duy ngày càng mở với các mô hình kinh tế mới, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam có đủ điều kiện để sớm phát triển. Bản thân những chuyển động từ phía doanh nghiệp đối với kinh tế tuần hoàn đã được ghi nhận. Nếu kịp thời thể chế hóa bằng khung chính sách phù hợp, kinh tế tuần hoàn sẽ thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đáp ứng yêu cầu đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đang chủ trì nghiên cứu để hệ thống hóa một số chính sách và lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam và sẽ sớm có thông tin trong thời gian tới.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Hồng Sơn