Nâng cao chất lượng hợp tác xã nông nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 16:39, 01/12/2020

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có vai trò, vị trí quan trọng, vừa hỗ trợ các thành viên tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, vừa thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Tuy nhiên, còn không ít tồn tại trong hoạt động của HTX nông nghiệp, nhiều HTX nông nghiệp còn khó khăn. Thành phố Hà Nội đang tìm giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động cho các HTX.

Vẫn còn nhiều HTX trung bình, yếu

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, hiện, trên địa bàn thành phố có 1.235 HTX, gồm 1.090 HTX đang hoạt động (chiếm 88,3%) và 145 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể. Về thực trạng hoạt động, Hà Nội có 718 HTX kiểu mới, quy mô thôn, xã, được thành lập trước khi có Luật HTX năm 2012 và chuyển đổi 100% theo Luật; 457 HTX hoạt động tốt và khá; 261 HTX hoạt động trung bình, yếu.

Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) mở rộng diện tích trồng bưởi đỏ - cây đặc sản của địa phương để làm giàu cho xã viên.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho hay, trong những năm qua, các HTX nông nghiệp có vai trò chủ đạo trong cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm, hỗ trợ nông dân thuận lợi, yên tâm sản xuất, tăng thu nhập trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt. Đồng thời, HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Hiện, toàn thành phố có 70 HTX tham gia chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 50 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 31 HTX với 106 sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng và công nhận là sản phẩm OCOP.

Đáng chú ý, đối với HTX thôn, xã, sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, người đứng đầu các HTX đã có tư duy đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh; số lượng thành viên HTX với quy mô vừa (dưới 1.000 thành viên); đa dạng dịch vụ hoạt động (tối đa 10-12 dịch vụ) phục vụ thành viên HTX và dịch vụ truyền thống cho nông dân toàn xã tại địa phương; góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên; phát huy vai trò cộng đồng, giúp nông dân trên địa bàn về dịch vụ truyền thống ổn định tổ chức, phát triển kinh tế tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, còn nhiều HTX nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều HTX còn khó khăn. Theo bà Hoàng Thị Hậu, Giám đốc HTX Rau hữu cơ Thanh Xuân (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), dù HTX đi vào hoạt động đã chục năm và khá hiệu quả, song đến nay, HTX vẫn chưa có trụ sở làm việc. Trong khi đó, nhiều HTX thiếu vốn, trình độ quản lý của cán bộ còn hạn chế.

Canh tác rau tại Hợp tác xã Rau hữu cơ Thanh Xuân (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn).

Còn theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố chưa có nhiều mô hình HTX nông nghiệp thực hiện liên kết chuỗi; ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn, số lượng thành viên HTX chưa nhiều; vai trò của các HTX còn khá mờ nhạt, lợi ích mang lại cho thành viên chưa cao…

Nâng cao chất lượng hoạt động

Nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm giải pháp phát triển các HTX nông nghiệp, mới đây, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho rằng, cần đánh giá lại mô hình hoạt động của các HTX nông nghiệp hiện nay, từ đó, đưa ra giải pháp nâng cao hoạt động trong thời gian tới. Kinh tế thị trường đòi hỏi hàng hóa phải có tiêu chuẩn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc…, trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của chúng ta còn tình trạng “sáng tươi, chiều héo, sản phẩm thô”... Do đó, cần hình thành các HTX nông nghiệp chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Về đầu tư trong nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng có rất nhiều rủi ro, song việc sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ hạn chế điều này.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiên quyết là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về HTX, vai trò của kinh tế tập thể, kinh tế HTX, Luật HTX năm 2012 và các văn bản pháp quy có liên quan. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp điển hình, tiên tiến, nhất là các lĩnh vực ngành nghề mới, tạo điều kiện để các HTX mở rộng quy mô, phạm vi, địa bàn hoạt động với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ; ưu tiên phát triển các HTX nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sản xuất giống, bảo quản, chế biến nông sản…

Các hợp tác xã mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong ảnh: Trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại xã Phương Đình (huyện Đan Phượng).

Bên cạnh các giải pháp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành thông tư hướng dẫn điều kiện và tiêu chí hỗ trợ HTX nông nghiệp theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế HTX giai đoạn 2021-2025. Qua đó, các bộ, ngành, địa phương có cơ sở tham mưu ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung có liên quan phát triển kinh tế tập thể nói chung và hợp tác xã nông nghiệp nói riêng.

Minh Phú