Một vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 06:31, 01/12/2020
1. Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1-12-1920, tại xã Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đồng chí Lê Đức Anh tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1937 và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tháng 5-1938; sau đó được tổ chức phân công phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh.
Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Lê Đức Anh được giao nhiều trọng trách. Ngày 14-6-1948, trung đoàn đầu tiên của Nam Bộ ra đời - Trung đoàn 301, đồng chí Lê Đức Anh được phân công làm Chính trị viên. Cuối năm 1948, đồng chí Lê Đức Anh được điều về làm Tham mưu trưởng Khu 7. Thời điểm này, đồng chí chuyển từ vai trò là cán bộ chính trị sang cán bộ tham mưu quân sự, chuyên lo việc xây dựng lực lượng và nhất là lo tổ chức các trận đánh, các chiến dịch.
Cuối năm 1949, đầu năm 1950, khi quân Pháp liên tục mở nhiều cuộc hành quân càn quét uy hiếp vùng giải phóng phía Đông và Đông Bắc Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Lê Đức Anh đã đề xuất mở chiến dịch tiến công trên địa bàn Bến Cát nhằm tiêu hao sinh lực địch bằng cách đánh giao thông kết hợp với công đồn diệt tháp canh để đánh viện binh; tác chiến kết hợp với phá hoại để mở rộng khu căn cứ của ta… Bộ Tư lệnh Nam Bộ đồng ý với đề xuất của đồng chí Lê Đức Anh và quyết định cử đồng chí làm Tham mưu trưởng chiến dịch (từ ngày 25 đến 27-1-1950). Đây là một trong những chiến dịch tiến công đầu tiên của các lực lượng vũ trang Nam Bộ. Từ trong Chiến dịch Bến Cát, chiến thuật đặc công đã ra đời. Cuối năm 1952, đầu năm 1953, đồng chí Lê Đức Anh cùng đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy ra Chiến khu Việt Bắc báo cáo với Bác Hồ và Bộ Tổng Tham mưu về kinh nghiệm đánh đồn theo kiểu đặc công.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (ngày 20-7-1954), đồng chí Lê Đức Anh tập kết ra Bắc, nhận nhiệm vụ làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330 và nhiều trọng trách khác. Tháng 9-1963, đồng chí Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 12-1963, đồng chí được điều trở lại Nam Bộ, làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền.
2. Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, khi đang giữ chức Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền, đồng chí Lê Đức Anh được phân công tham gia Sở Chỉ huy “Tiền phương 2” do đồng chí Võ Văn Kiệt phụ trách. Đầu năm 1969, đồng chí Lê Đức Anh đảm nhận chức vụ Tư lệnh Quân khu 9. Sau hơn 4 năm lăn lộn trên chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long, đồng chí Lê Đức Anh cùng Bộ Tư lệnh và tập thể Đảng ủy Quân khu đưa phong trào cách mạng vượt lên những ngày tháng ngặt nghèo, từng bước đánh bại âm mưu của Mỹ - ngụy. Với những thành tích xuất sắc đạt được, ngày 16-4-1974, đồng chí Lê Đức Anh được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.
Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Dưới sự chỉ huy của Trung tướng Lê Đức Anh, các đơn vị hướng Tây - Tây Nam bắt đầu tiến công, rồi cùng các cánh quân khác nhanh chóng tiến về Sài Gòn. Đến ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đồng chí Lê Đức Anh được thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng tháng 1-1980 và lên Đại tướng tháng 12-1984. Ngày 16-2-1987, Bộ Chính trị và Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm đồng chí Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Với kinh nghiệm thực tế, tư duy nhạy bén, sắc sảo mang tầm chiến lược, đồng chí Lê Đức Anh đã tham mưu Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, cũng như vấn đề rút quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia về nước. Tiếp đó, trên cương vị Chủ tịch nước (từ tháng 9-1992), Đại tướng Lê Đức Anh có nhiều cống hiến to lớn trong xây dựng, phát triển đất nước. Về đối nội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi nguồn lực trong phát triển đất nước, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới đất nước, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Quan tâm, chăm lo công tác chính sách, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký Lệnh số 36/CTN ngày 10-9-1994, công bố Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và Pháp lệnh “Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng”. Kể từ đó, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được hưởng ứng sôi nổi, rộng khắp cả nước.
Về đối ngoại, đồng chí Lê Đức Anh có nhiều công lao trong xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, thúc đẩy Việt Nam gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thiết lập ngoại giao với nhiều nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh để lại nhiều dấu ấn nổi bật đối với cách mạng Việt Nam. Đúng như Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định, đồng chí Lê Đức Anh “là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”.
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh, ngày 30-11, tại thành phố Huế, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên - Huế”. Dự và phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, cuộc đời của đồng chí Lê Đức Anh là tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và quân đội lên trên hết, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.