Cần một quyết tâm cao

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:02, 03/12/2020

(HNM) - Nhằm cải thiện điều kiện sống cho người dân, xây dựng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, từ năm 2007, thành phố Hà Nội đã thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn. Song, vì nhiều nguyên nhân, tiến độ công việc này vẫn được đánh giá là quá chậm khi mới chỉ có hơn 1% trong tổng số 1.579 chung cư cũ trên toàn địa bàn được cải tạo, xây dựng lại.

Điều đáng nói, ngay cả với 6 nhà chung cư nguy hiểm cấp D (công trình hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ) tại 2 quận Ba Đình và Đống Đa, UBND thành phố đã chỉ đạo di dời khẩn cấp sang nơi tạm cư để cải tạo, xây dựng lại từ năm 2013, đến nay mới có 1 chung cư hoàn tất xây dựng lại, 5 chung cư còn lại vẫn chưa hoàn thành việc di dời.

Tình trạng chậm trễ trên là do quá trình triển khai gặp một số vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật trong thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; bất cập trong quy hoạch, kiểm định chất lượng nhà. Chưa kể, còn một bộ phận cư dân chưa đồng thuận với chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nên chưa chịu di dời.

Bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân tại những chung cư cũ nguy hiểm là yêu cầu cấp bách đặt ra, do đó rất cần sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của các cấp, ngành, sự đồng thuận của các chủ sở hữu, chủ sử dụng nhà chung cư...

Hiện, số người chưa di dời khỏi 6 nhà chung cư nguy hiểm cấp D không còn quá nhiều, nên trước mắt, các cơ quan chức năng cần phân loại thành từng nhóm vướng mắc, từ đó, tập trung tìm giải pháp tháo gỡ với từng đối tượng. Trong đó, với “nút thắt” liên quan đến kiểm định chất lượng nhà, các cấp, ngành thành phố cần sớm tổ chức đối thoại với người dân để tìm ra tiếng nói chung; phải đưa ra được những cơ sở khoa học thuyết phục được người dân di dời, tránh những nguy hiểm đang tiềm ẩn... 

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của thành phố cần tham mưu đề xuất cơ quan liên quan trình Chính phủ phương án tháo gỡ những bất cập của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP (ngày 20-10-2015) của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; đẩy mạnh tuyên truyền về cơ chế, chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư để người dân hiểu và đồng thuận, giúp dự án được triển khai thuận lợi. Chủ đầu tư cũng phải minh bạch thông tin về thiết kế tòa nhà, phương án cải tạo, xây dựng lại, đặc biệt là cam kết tiến độ hoàn thành dự án để người dân yên tâm đợi ngày trở lại nơi an cư.

Căn cứ vào cam kết này của chủ đầu tư, các cấp chính quyền cần lên phương án kiểm tra, giám sát để thực hiện đúng tiến độ việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Đồng thời, qua công tác này cơ quan chức năng cũng sẽ nắm bắt và hỗ trợ giải quyết kịp thời mọi vướng mắc phát sinh.

Việc di dời khỏi nhà chung cư cũ sẽ gây những xáo trộn nhất định trong cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, mỗi người trong diện di dời cần ủng hộ chủ trương của thành phố, tôn trọng lợi ích chung của tập thể bên cạnh việc chú ý bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình.

Và khi đã tuyên truyền, áp dụng đúng, đầy đủ cơ chế, chính sách nhưng vẫn có người cố tình chống đối, không di dời, thì cơ quan chức năng cần cương quyết tổ chức cưỡng chế để bảo đảm an toàn cho chính người dân và cộng đồng.

Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp, với một quyết tâm cao và sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và người dân thì tiến độ di dời, xây dựng lại chung cư nguy hiểm tại Hà Nội mới đáp ứng yêu cầu.

Hoàng Hà