Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải ngân vốn đầu tư công
Chính trị - Ngày đăng : 19:52, 03/12/2020
Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ có những giải pháp hữu hiệu, thực chất hơn, là liều thuốc "đặc trị" để giải quyết căn bệnh này, không để trở thành bệnh "mãn tính".
Về nội dung chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ trả lời như sau:
Chính phủ đã xác định rất rõ, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, việc làm; việc các dự án bị chậm tiến độ cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.
Vì vậy, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hành động quyết liệt, thể hiện trong các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1053/QĐ-TTg ngày 17-7-2020 thành lập 7 Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức các hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đôn đốc thúc đẩy đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 để nhận diện, đánh giá những vướng mắc, nút thắt, chỉ ra một số nguyên nhân cụ thể ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan liên quan về thể chế, chính sách, quy trình, thủ tục về đầu tư công, quản lý tài chính, công tác tổ chức thực hiện ở các cấp…
Trên cơ sở đó, đã đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây: 8 tháng đạt 49,95% kế hoạch, 9 tháng đạt 52,74% kế hoạch và ước 10 tháng đạt 60,14% kế hoạch.
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra, đặc biệt là vốn ODA. Về khách quan, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tiến độ thực hiện nhiều dự án ODA không tránh khỏi bị chậm trễ, cả từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát.
Một nguyên nhân khách quan nữa là do sự khác biệt về quy trình, thủ tục của Việt Nam và nhà tài trợ, đặc biệt trong công tác đấu thầu, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các chủ trương chính sách mới, buộc các dự án phải có sự điều chỉnh.
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là do công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án không bảo đảm yêu cầu; các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa ưu tiên bố trí đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa sát sao, dẫn đến các khiếm khuyết đã phát hiện không được sửa chữa kịp thời, những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được khắc phục...
Tập trung quyết liệt triển khai các giải pháp
Để xử lý tồn tại, hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung quyết liệt triển khai các giải pháp:
- Nâng cao công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất bố trí vốn sát với khả năng thực hiện, khả năng giải ngân.
- Tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo và người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc thực thi các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.
- Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phối hợp rà soát, kịp thời phát hiện vướng mắc, đặc biệt là những vướng mắc về cơ chế, chính sách để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc xử lý theo thẩm quyền được giao.
- Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung rà soát kỹ danh mục dự án đầu tư do mình quản lý, nắm bắt tình hình triển khai từng dự án để có biện pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoặc điều chuyển vốn sang các dự án khác có khả năng giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.
- Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án, bảo đảm đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao. Thực hiện nghiêm việc đánh giá cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình làm chậm, gây khó khăn, nhũng nhiễu, vi phạm quy định, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí về đầu tư công.
Những giải pháp nêu trên, cùng với việc thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 và các quy định pháp luật có liên quan, giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện hơn trong thời gian tiếp theo.