Đầu có ''thông'' hành vi mới chuẩn

Góc nhìn - Ngày đăng : 10:53, 04/12/2020

(HNMCT) - Tối 21-11, trên địa bàn huyện Thanh Trì xảy ra một vụ hỏa hoạn, nguyên nhân bắt đầu từ việc hát karaoke gây ồn ào vào giờ nghỉ ngơi của mọi người. Một người đàn ông 61 tuổi, sau nhiều lần góp ý với hàng xóm về chuyện hát karaoke làm ảnh hưởng tới người sống ở quanh đó nhưng sự việc vẫn tiếp diễn, trong lúc tinh thần bị kích động mạnh đã dùng chai đựng xăng đốt và ném sang nhà nọ... Dù vì lý do gì, hành động trái pháp luật của người đàn ông cao tuổi đó là không thể chấp nhận được.

Câu chuyện nói trên khiến chúng ta nhớ lại những vụ việc đáng buồn tương tự đều liên quan tới việc hát karaoke trong khoảng thời gian mọi người được quyền nghỉ ngơi trong sự yên tĩnh. Những vụ ẩu đả, thậm chí khiến người khác thiệt mạng đã xảy ra ở Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Dương, An Giang, Bến Tre... vì nguyên nhân này, cho thấy mâu thuẫn nảy sinh từ thói quen, nếp sống, cách ứng xử thường ngày không theo chuẩn mực được xã hội thừa nhận có thể gây ra hậu quả lớn đến thế nào. Phải khẳng định rằng, ô nhiễm môi trường sống, trong đó có ô nhiễm tiếng ồn, là một vấn nạn cần được quan tâm đúng mức, có biện pháp khả thi để hạn chế và tiến tới loại bỏ, bởi đó không phải là chuyện nhỏ.

Nói là chuyện lớn bởi tình trạng ô nhiễm tiếng ồn diễn ra ở mọi nơi, đặc biệt là tại các thành phố lớn, những nơi tập trung dân cư, gây ảnh hưởng xấu tới sự bình yên, nhu cầu nghỉ ngơi - sức khỏe cộng đồng, và chất lượng công việc của nhiều người. Như hiện tượng mở loa đài với âm lượng lớn không chỉ có ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, mà xuất hiện trên đường phố, trong khu dân cư, nhà chung cư, và cũng không chỉ có việc hát karaoke mới khiến cư dân cảm thấy khó chịu. Loa kéo trên đường; những lễ khai trương ồn ào; tiếng đóng - mở cửa ầm ầm trong đêm từ những người thường xuyên trở về nhà muộn; tiếng còi xe, tiếng máy khoan cắt bê tông, âm thanh đục đẽo vào giờ nghỉ ngơi... Tất cả trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với những người muốn có một cuộc sống yên bình và coi thái độ tôn trọng quyền riêng tư của người khác là một tiêu chí ứng xử của cư dân đô thị.

Cẩn thận xem xét vấn đề nói trên, có thể thấy rằng ô nhiễm tiếng ồn không phải bởi Việt Nam không có hoặc còn thiếu quy định về vấn đề này. Những bộ luật và văn bản dưới luật liên quan đã quy định rõ mức âm thanh (do con người tạo ra) không được phép vượt qua trong những khung thời gian cụ thể. Mức phạt cũng được quy định rõ đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm, có khi lên tới hàng trăm triệu đồng - không phải là nhẹ. Vấn nạn tiếng ồn vẫn gây nhức nhối cũng không phải do xã hội không quan tâm, bởi báo chí đã đề cập rất nhiều về vấn đề này, cơ quan quản lý đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm tìm giải pháp...

Bởi vậy, nguyên nhân quan trọng nằm ở con người, do cách ứng xử thiếu văn minh. Nhiều người có thói quen sống không vì ai, chỉ vì mình, cũng không nhận thức được loại hành vi làm ảnh hưởng tới quyền được sống yên ổn của người khác. Đại diện chính quyền cơ sở ở một số nơi không sát sao với việc này; không chủ động tổ chức hành động đủ mức để hướng dẫn người dân ứng xử văn minh, thúc đẩy ý thức thượng tôn pháp luật. Mặt khác, phía là nạn nhân của hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn không ý thức tốt về quyền của mình, không phản ánh sự việc tới cơ quan chức năng để bảo đảm sự can thiệp diễn ra theo trình tự được pháp luật chấp nhận, nên có khi việc đơn giản hóa thành phức tạp, thậm chí dẫn tới án mạng.

Xét nguyên nhân từ góc độ con người, sự hạn chế nói trên cần được khắc phục nhờ giải pháp tác động vào nhận thức, qua đó điều chỉnh hành vi. Giải pháp nhằm khắc phục hiện trạng phụ thuộc nhiều hơn vào ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý liên quan trong việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng về dài hạn, việc tuyên truyền và giáo dục mang tính quan trọng hơn cả, cần được thực hiện một cách bài bản. Những bài học về ô nhiễm tiếng ồn cần được lồng ghép trong bài học kỹ năng sống trong nhà trường, qua đó hình thành những lớp người mới có nếp sống và cách ứng xử văn minh, thái độ tôn trọng cộng đồng ngay từ khi còn là “tờ giấy trắng”.

Hoàng Lê