Siết chặt chất lượng bữa ăn học đường

Xã hội - Ngày đăng : 06:50, 04/12/2020

(HNM) - Trước hiện tượng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học ở một số đơn vị, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có công văn nhắc nhở, yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt chất lượng bữa ăn học đường. Là đơn vị ở khu vực ngoại thành với số lượng bếp ăn bán trú trong trường học khá lớn, huyện Phúc Thọ xác định việc bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Trường Mầm non Xuân Phú (huyện Phúc Thọ) thực hiện nghiêm túc quy trình giao - nhận thực phẩm. Ảnh: Minh Khang

100% bếp ăn đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ, năm học 2020-2021, trên địa bàn huyện Phúc Thọ có 50 trường, nhóm lớp có tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh, trong đó có 34 trường, nhóm lớp mầm non và 16 trường tiểu học. 100% bếp ăn của các nhà trường đã được cấp giấy chứng nhận bếp ăn đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ở khối mầm non, 100% các trường có đội ngũ nhân viên nấu ăn đủ số lượng và chất lượng, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng trẻ. Còn ở khối tiểu học, 15/16 trường tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh theo hình thức ký hợp đồng cung ứng suất ăn sẵn với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 1 trường tổ chức bếp nấu bữa ăn bán trú tại trường.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ, bên cạnh việc chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ luôn coi trọng công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, xác định đây là điều kiện quan trọng, không thể thiếu để học sinh học tập, rèn luyện tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của toàn ngành. Bởi vậy, công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh trong các trường học được đặc biệt quan tâm.

Dù thực hiện theo hình thức nấu ăn tại trường hay ký hợp đồng với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống để cung ứng suất ăn sẵn mang tới trường cho học sinh, các nhà trường đều phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức lựa chọn, ký hợp đồng cung ứng thực phẩm sạch với nhà cung cấp thực phẩm có uy tín, bảo đảm năng lực và có đủ căn cứ pháp lý.

Khâu lưu trữ thực phẩm và lưu mẫu thức ăn hằng ngày ở các nhà trường trên địa bàn huyện Phúc Thọ cũng thường xuyên được nhắc nhở, kiểm tra và giám sát với yêu cầu các nhà trường tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Nhờ những nỗ lực này, công tác tổ chức bếp ăn bán trú trong các trường học trên địa bàn huyện Phúc Thọ được thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Không sử dụng thực phẩm chế biến sẵn

Dù nguồn ngân sách hạn hẹp, công tác xã hội hóa còn nhiều khó khăn, song công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bếp ăn bán trú cho các nhà trường trên địa bàn huyện Phúc Thọ luôn được ưu tiên. Để hạn chế tối đa các nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình tổ chức cho học sinh ăn bán trú, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo các nhà trường tuyệt đối không được sử dụng thực phẩm chế biến sẵn. Các nhà trường có trách nhiệm xây dựng quy trình và tổ chức thực hiện quy trình giao - nhận thực phẩm hằng ngày chặt chẽ, nghiêm túc, đủ thành phần và bảo đảm công khai, minh bạch.

Các nhà trường cũng chủ động, tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm công tác tổ chức bếp ăn bán trú an toàn. Bà Huỳnh Thị Thanh Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) cho biết: Hằng ngày nhà trường tổ chức cho gần 400 học sinh ăn bán trú. Do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, chưa có bếp nấu nên nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung ứng vận chuyển suất ăn đến trường. Quy trình lựa chọn đơn vị cung ứng được triển khai chặt chẽ, có sự tham gia của phụ huynh học sinh.

Nhà trường và phụ huynh học sinh trực tiếp tham quan cơ sở vật chất, năng lực và các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm về cả tính pháp lý và thực tế hoạt động, từ đó lựa chọn, quyết định đơn vị phù hợp, trong đó lưu tâm đến việc chọn đơn vị không quá xa để bảo đảm quãng đường vận chuyển nhanh, an toàn. Nội dung được nhấn mạnh trong hợp đồng giữa hai bên là đơn vị cung ứng phải bảo đảm có xe chuyên dụng để vận chuyển suất ăn.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Phú (huyện Phúc Thọ) Đặng Thị Huệ thông tin: Nhà trường thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng 453 trẻ; trong đó, trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ ăn 3 bữa/ngày, trẻ lứa mẫu giáo ăn 2 bữa/ngày tại trường. Nhà trường coi trọng chất lượng đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng. Hiện nay, 10 nhân viên nuôi dưỡng của trường đều có trình độ từ cao đẳng trở lên, được theo dõi sức khỏe định kỳ và thường xuyên được bồi dưỡng về chuyên môn và kỹ năng, có ý thức nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức tốt. Trong hội thi nhân viên nuôi dưỡng cấp huyện hằng năm, nhân viên của trường đều giành giải cao. Bên cạnh việc coi trọng nguồn nhân lực, nhà trường còn kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm hằng ngày để kịp thời phát hiện “thực phẩm bẩn” có nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ cho biết: Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện tăng cường đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ bán trú ở các nhà trường. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng phối hợp với cơ quan y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các nhà trường về việc thực hiện các quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch Covid-19.

Thống Nhất