Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính
Chính trị - Ngày đăng : 14:51, 04/12/2020
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí thứ trưởng, trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương; đại diện Thường trực HĐND, UBND thành phố và các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội.
Mở đầu hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, để chuẩn bị cho cuộc làm việc này, từ mấy tháng nay, Sở Tài chính và các cơ quan thành phố đã làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.
Tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên nguồn lực cho chi đầu tư phát triển
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, những năm qua, công tác phối hợp giữa Bộ Tài chính với thành phố Hà Nội rất chặt chẽ, với 8 kết quả nổi bật.
Trong đó, nhờ tăng cường công tác điều hành, từ năm 2016 đến nay, thành phố đều hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách nhà nước Trung ương giao. Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 ước đạt gần 1.187.619 tỷ đồng, bằng 1,63 lần so với giai đoạn 2011-2015, có tốc độ tăng trưởng bình quân 11-12%/năm, chiếm 19% tổng thu ngân sách nhà nước toàn quốc. Các nguồn thu ngày càng được quản lý đầy đủ và chặt chẽ hơn; cơ cấu thu ngân sách có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, bền vững. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách đã tăng từ 89,5% năm 2016 lên 92,7% vào năm 2020. Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc được quan tâm, chú trọng. Trong đó, khai thuế điện tử đạt trên 99%, nộp thuế điện tử đạt trên 98%...
Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020 ước đạt 383.011 tỷ đồng, bằng 1,37 lần so với giai đoạn 2011-2015; có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7-8%/năm và có tỷ lệ so với GRDP là 8,6%. Công tác bố trí chi thường xuyên ở mức hợp lý, ưu tiên nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.
Thành phố đã thực hiện tiết giảm chi thường xuyên so với dự toán Trung ương giao và trong điều hành ngân sách là 16.000 tỷ đồng để có nguồn bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển, thực hiện dự toán chi trả nợ.
Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách của thành phố đều thấp hơn tỷ trọng chi thường xuyên theo dự toán Trung ương giao với mức bình quân khoảng 3%/năm và giảm từ 58,8% năm 2016 xuống còn 51,2% trong năm 2020.
Đề nghị phối hợp xử lý 31 khó khăn, vướng mắc
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính quan tâm, phối hợp xử lý 31 khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện thực tế tại địa phương.
Đáng chú ý, Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố trên mức 35% để bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; ban hành quy định về tiêu chí phân bổ riêng cho Thủ đô trong định mức phân bổ giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật Thủ đô và văn bản liên quan; ban hành quy định về định mức phân bổ theo dân số thực tế có mặt trên địa bàn, áp dụng cho các đô thị đặc biệt, như Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 72/2017/TT-BTC theo hướng để các ban quản lý dự án chuyên ngành tự thẩm định, phê duyệt dự toán thu, chi phù hợp với cơ chế tự chủ của đơn vị; hướng dẫn nội dung ứng vốn quỹ phát triển đất của các địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án cấp bách, cấp thiết cần triển khai sớm...
Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét cơ chế tháo gỡ vướng mắc trong công tác xây dựng phương án giá tiêu thụ nước sạch; hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia về lĩnh vực tài chính...
Tăng cường phối hợp trên 6 nhóm lĩnh vực
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành đã tập trung trao đổi, giải đáp các đề xuất, kiến nghị của thành phố Hà Nội. Trong đó khẳng định sẽ tích cực phối hợp cùng thành phố xem xét, bóc tách, giải quyết từng vấn đề.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá cao về sự chuyển dịch cơ cấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thủ đô Hà Nội theo hướng tích cực, bền vững; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng từ 89,5% năm 2016 lên 92% năm 2020.
Đối với các đề nghị của thành phố, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính thống nhất căn cứ biên bản tăng cường phối hợp được ký kết tại hội nghị lần này sẽ chỉ đạo các đơn vị của Bộ cùng thành phố Hà Nội tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Bộ trưởng Bộ Tài chính thể hiện rõ sự ủng hộ đối với các kiến nghị của Hà Nội như: Đầu tư các tuyến quốc lộ kết nối với vùng Tây Bắc, tỉnh Phú Thọ và khu vực phía Nam; nghiên cứu tăng một số loại phí mang tính đặc thù…
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao ý nghĩa, hiệu quả cuộc làm việc. Thông tin nhanh về tình hình phát triển trên địa bàn, đồng chí cho biết, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 nhưng tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô vẫn có những tín hiệu tích cực. Đến cuối tháng 11-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố tăng trưởng khoảng 3,98%; hết tháng 12-2020 có thể cao hơn và hơn mức tăng trưởng của cả nước ít nhất khoảng 1,5 lần. Thu ngân sách đến nay thực hiện 279.359 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 3,5% so với thực hiện năm 2019. Trong năm mặc dù rất khó khăn, nhưng thành phố vẫn giãn, hoãn khoảng 22.000 tỷ đồng các loại thuế, phí nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, để kinh tế Hà Nội tiếp tục phát triển có chiều sâu, có thể tăng thêm nguồn thu; gia tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển; thành phố rất cần Bộ Tài chính và các bộ, ngành trung ương phối hợp chặt chẽ, hợp tác, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, được thể hiện cụ thể ở 31 kiến nghị đã nêu trong báo cáo.
Đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ngoài cơ chế về chi ngân sách, đề nghị Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm tháo gỡ vướng mắc cơ chế, chính sách về thu ngân sách; vướng mắc về giá, thuế, phí để thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ công; hỗ trợ tăng vay vốn ODA; phát hành trái phiếu địa phương để đầu tư cho phát triển...
Ngay sau kết luận của Bí thư Thành ủy, đại diện Văn phòng Thành ủy và Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính đã ký Thông báo chung về Kết luận của Bí thư Thành ủy với Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính tại buổi làm việc. Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính và Ban Cán sự đảng UBND thành phố ký Biên bản ghi nhớ phối hợp để triển khai cụ thể hóa các nội dung kết luận nêu trên, thể hiện trên 6 nhóm lĩnh vực như: Xây dựng các cơ chế, chính sách lớn; xây dựng, triển khai kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn và hằng năm; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố; giải quyết các kiến nghị theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính và thành phố Hà Nội; phối hợp trong đào tạo cán bộ; cải cách tài chính công...