Nỗ lực đưa âm nhạc tới gần người nghe

Giải trí - Ngày đăng : 18:50, 05/12/2020

(HNMCT) - Liên tục sáng tạo bằng nhiều hình thức mới lạ, những buổi hòa nhạc nhỏ được tổ chức gần đây ở Hà Nội đã cho thấy nỗ lực không ngừng của các nghệ sĩ nhằm đưa âm nhạc đến gần hơn với người nghe. Và nỗ lực đó đang dần gặt hái những thành quả ngọt ngào.

Người nghe thưởng thức nghệ thuật cine - concert tại Không gian văn hóa Manzi. Ảnh: Minh Trí

Trải nghiệm thú vị

Cuối tháng 10-2020, Không gian văn hóa Manzi (Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích, Ba Đình, Hà Nội) đã mang đến cho người nghe một buổi hòa nhạc nhỏ theo hình thức cine - concert (hình thức hòa nhạc kết hợp với hình ảnh động) mang tên Song đôi. 

Trong đêm nhạc này, khán giả vừa được thưởng thức tiếng đàn dương cầm của nghệ sĩ Trí Minh, tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Ngô Trà My, vừa được xem những thước phim đen trắng từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Âm nhạc cùng với những hình ảnh được chiếu qua 3 ô cửa sổ tại không gian Manzi kể cho khán giả câu chuyện về những giấc mơ, về nỗi hoài nhớ, sự mong chờ và hy vọng.

Sự kết hợp âm nhạc với những hình ảnh đầy hoài niệm thực sự mang đến cho người nghe rất nhiều cảm xúc. Song đôi đã là đêm diễn thứ hai trong loạt cine - concert đặc biệt do Manzi thực hiện trong năm nay với ý tưởng sử dụng 3 cửa sổ của không gian Manzi như màn chiếu và các nhạc sĩ sẽ trình diễn ứng tác theo các phim được chọn.

Tối 15-11 vừa qua, Viện Goethe Hà Nội cũng mang đến cho khán giả buổi hòa nhạc mang tên Hành trình qua 4 thế kỷ âm nhạc với hình thức khá lạ. Các nghệ sĩ đã trình diễn 4 chương trình riêng biệt từ 4 thời kỳ âm nhạc khác nhau gồm: Tiền cổ điển, cổ điển, lãng mạn và hiện đại, tại 4 không gian khác nhau của Viện Goethe. Và để thưởng thức, khán giả phải di chuyển qua các khán phòng khác nhau, giống như đang di chuyển “từ kỷ nguyên này tới kỷ nguyên khác”.

Ở mỗi phòng, khán giả được thưởng thức một phong cách âm nhạc riêng biệt. Sự thay đổi về không gian, phong cách âm nhạc khiến khán giả cảm thấy hứng thú hơn, chủ động hơn trong việc lựa chọn và đón nhận. Chính vì vậy, dù vẫn là những tác phẩm kinh điển của Beethoven, Schumann... nhưng tâm thế đón nhận của khán giả có sự mới mẻ.

Nỗ lực và thành quả

Hòa nhạc từ lâu vẫn được coi là thể loại kén khán giả, chính vì thế các nghệ sĩ luôn đau đáu với câu hỏi làm thế nào để đưa các buổi hòa nhạc đến gần với công chúng hơn nữa. Có nhiều hình thức được áp dụng, trong đó, việc kết hợp âm nhạc với các loại hình nghệ thuật khác để tạo ra sự tương tác được sử dụng khá hiệu quả.

Chẳng hạn như với nhạc sĩ Trí Minh, nhiều năm qua, anh đã không ngừng kết hợp âm nhạc điện tử hiện đại với các loại hình nghệ thuật khác, đặc biệt là tận dụng hiệu ứng ánh sáng, hình ảnh để mang đến cho người nghe những trải nghiệm đặc biệt mà cine - concert Song đôi vừa qua là một ví dụ. Mặc dù chỉ tổ chức với quy mô nhỏ nhưng Song đôi đã thu được hơn 30 triệu đồng tiền vé để ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng của lũ lụt tại miền Trung trong thời gian vừa qua, điều này cho thấy hình thức này tuy mới lạ nhưng đã thu hút được sự quan tâm của khán giả.

Với âm nhạc hàn lâm, các nghệ sĩ luôn cố gắng để tạo ra sự tương tác với khán giả của mình. Chẳng hạn, chuỗi Concert of Childhood Memory thu được thành công là nhờ ý tưởng biến âm nhạc trở thành “chiếc cầu thời gian” để người nghe trở về quá khứ khó quên thông qua những tác phẩm quen thuộc với thế hệ họ. Các nghệ sĩ thực hiện chương trình hòa nhạc giáo dục của Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời (SSO), các buổi biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng trẻ Sài Gòn SPYO, của Dàn nhạc giao hưởng trẻ Maius Philharmonic tại Hà Nội... đều cố gắng đi tìm những hình thức thể hiện mới mẻ, tạo được dấu ấn trong lòng công chúng.

Nhạc sĩ Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam từng chia sẻ: Những năm trước, các chương trình hòa nhạc phải có tài trợ thì mới có thể tổ chức được. Nhưng giờ đây, số lượng các buổi hòa nhạc nhiều hơn, quy mô đa dạng hơn và đó chính là tín hiệu rõ nhất cho thấy những hoạt động “gieo mầm” âm nhạc đã có hiệu quả. Một lứa công chúng trẻ văn minh coi nhạc giao hưởng như một thực đơn tinh thần không thể thiếu đang dần xuất hiện. Hơn nữa, so với trước đây, âm nhạc hàn lâm không bị bó hẹp trong các dàn nhạc giao hưởng và các phòng hòa nhạc tiêu chuẩn nữa.

Rõ ràng, đó là thành quả bước đầu ngọt ngào của các nghệ sĩ sau nhiều năm kiên trì tham gia tổ chức các chương trình hòa nhạc, có nhiều hình thức sáng tạo để tiếp cận, tương tác với đông đảo công chúng. Đó là điều đáng được ghi nhận.

An Định