Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 12:39, 05/12/2020

Sáng 5-12, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, định hướng giai đoạn 2021-2030.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành trung ương; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, Thủ trưởng Cơ quan hành chính Ngân hàng Nhà nước, đã báo cáo tóm tắt thành tựu nổi bật của ngành ngân hàng trong 10 năm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng 10 năm tiếp theo.

Theo đó, xác định rõ cải cách hành chính là xu hướng tất yếu khách quan để ngành ngân hàng làm tốt chức năng, nhiệm vụ trong điều hành kinh tế vĩ mô và cung ứng vốn, các dịch vụ tiền tệ, thanh toán cho nền kinh tế cũng như nhanh chóng hội nhập và phát triển, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lựa chọn những mô hình cải cách mới nhất của hoạt động ngân hàng trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, hoạch định lộ trình áp dụng rõ đến từng năm và thường xuyên bổ sung các nhiệm vụ cải cách mới với mục tiêu cao hơn.

Ngân hàng Nhà nước đã hai lần vào tốp 3 và liên tiếp 5 năm gần đây ở vị trí dẫn đầu xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ trong số các bộ, cơ quan trung ương. Trong 10 năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp nhận và giải quyết hơn 20 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính, gần 200 thủ tục được đơn giản hóa, bãi bỏ, tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân trong giao dịch hành chính với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Khảo sát sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho thấy, chỉ số hài lòng hằng năm đều đạt trên 98%. Theo báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2020, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã tăng 7 bậc so với năm trước và nằm trong nhóm 25 quốc gia có điểm cao nhất. Chỉ số này thể hiện sự quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ và vay vốn công bằng, minh bạch.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, định hướng giai đoạn 2021-2030, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tập trung triển khai liên tục và có hiệu quả các lĩnh vực cải cách hành chính nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh nói chung, lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng ổn định, an toàn; khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật, tôn trọng các quy luật thị trường, thúc đẩy đầu tư, sản xuất phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Cụ thể, về lĩnh vực cải cách, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng theo định hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phấn đấu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định về công tác cán bộ; điều chỉnh, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc hệ thống theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chúc mừng và biểu dương những kết quả tích cực đã đạt được của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngành ngân hàng trong 10 năm triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng Thường trực nhận xét, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong những cơ quan đi đầu trong cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh. Ngay từ giai đoạn triển khai Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan đầu tiên công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý, đã hoàn thành thực thi phương án đơn giản hóa 147/213 thủ tục hành chính (đạt 70%).

Từ năm 2018 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm, đơn giản hóa 29% điều kiện kinh doanh; đáp ứng tốt yêu cầu giao dịch hành chính thuận tiện, minh bạch, tiết giảm chi phí đối với doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng đơn giản hóa, cắt giảm mạnh mẽ thủ tục giải quyết công việc, ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong mọi lĩnh vực giao dịch về tiền tệ, tín dụng, thanh toán.

Những kết quả trên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam góp phần vào cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, thể hiện sự quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch.

Cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ được nêu trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý đồng chí Thống đốc cùng Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cần tập trung chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và toàn diện các nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; coi đây là động lực, giải pháp để hoàn thành những mục tiêu đã được xác định trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh, tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; đảm bảo hệ thống pháp luật ngân hàng đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động ngân hàng và tiền tệ trong giai đoạn tới.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, thực hiện tốt việc xây dựng cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm; triển khai có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.

“Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, tổ chức triển khai có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính, như cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử...”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị; quan tâm việc triển khai khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan thuộc ngành ngân hàng; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính...

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình bày tỏ tin tưởng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng nền hành chính thống nhất, trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhân dịp này, một số tập thể và các nhân ngành ngân hàng đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì đã có những đóng góp tích cực cho công tác cải cách hành chính của ngành ngân hàng.

Theo Thu Phương (TTXVN)