2020 - năm thành công của xuất khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 06:11, 05/12/2020
Liên tục ghi dấu ấn
Kết thúc tháng 6-2020, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 121 tỷ USD. Đến hết tháng 9-2020, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 203 tỷ USD. Và tính đến hết tháng 11-2020, con số này đạt hơn 254 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2019. Cán cân thương mại quốc gia đạt mức xuất siêu hơn 20 tỷ USD.
Xét về thị trường, Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác nhập khẩu hàng Việt Nam lớn nhất, với kim ngạch gần 70 tỷ USD. Tiếp đến là Trung Quốc với 43 tỷ USD, Liên minh châu Âu (EU) với 32 tỷ USD... Điều này cho thấy, hàng Việt Nam có khả năng thích ứng tốt trước điều kiện bất lợi do dịch Covid-19.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, Việt Nam xuất siêu là nhờ nền kinh tế có mức tăng trưởng dương, sức chống chịu của doanh nghiệp được cải thiện đáng kể, đồng thời đã tận dụng khá tốt thời cơ, ưu đãi từ việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đi sâu phân tích có thể thấy, đã có 31 mặt hàng, nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 nhóm đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, tiêu biểu là hàng dệt may, điện thoại và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị, phụ tùng...
Riêng xuất khẩu đồ gỗ đạt gần 11 tỷ USD trong 11 tháng năm 2020 (tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2019) chủ yếu nhờ tác động tích cực của các FTA. Theo Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Chánh Phương, xuất khẩu đồ gỗ sang EU ngày càng thuận lợi sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực. Dư địa vẫn còn khá lớn khi tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của EU hằng năm lên tới hơn 80 tỷ USD.
Ông Lê Huy Khôi, chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) nhận định, việc Việt Nam gia tăng xuất khẩu và duy trì xuất siêu là nhờ nhiều doanh nghiệp đã đầu tư chiều sâu cho sản xuất và bây giờ là lúc tận dụng thời cơ để xuất khẩu. Hơn thế, ngày càng có nhiều sản phẩm trong nước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, dẫn đến giảm thiểu hàng nhập khẩu.
Tận dụng thời cơ, tạo đà cho năm 2021
Dự báo, trong tháng 12-2020, một số mặt hàng chủ lực đang có sức tiêu thụ cao như hàng điện tử, máy tính và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; gạo; thủy sản… vẫn có chiều hướng tăng do bước vào dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch. Dệt may, một trong những ngành hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19, dự báo đạt tổng giá trị xuất khẩu cả năm 2020 khoảng 33,5-34 tỷ USD, cao hơn dự báo hồi tháng 4-2020 (khoảng 30-31 tỷ USD).
Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản cũng được đánh giá khả quan khi từ tháng 9-2020 đã phục hồi đà tăng trưởng 2 con số; và hết tháng 11, các thị trường lớn của thủy sản Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc đều tăng lần lượt 25%, 30% và 15%. Dự báo hết năm 2020, thủy sản có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 8,58 tỷ USD, tương đương năm 2019.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, để đạt kim ngạch xuất khẩu 300 tỷ USD đề ra từ đầu năm là rất khó khăn, không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn mà còn phụ thuộc vào sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Đề cập đến giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với hệ thống thương vụ cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp nắm rõ diễn biến của thị trường thế giới để có định hướng kinh doanh tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng thông tin thêm, nhiệm vụ quan trọng thời gian tới là phổ biến lợi ích mà các FTA mang lại để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội. Các chương trình xúc tiến thương mại hướng tới các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc - bên cạnh những thị trường mới nổi, có tiềm năng khác, tiếp tục được đẩy mạnh.
Đặc biệt, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - với thị trường 2,2 tỷ người, chiếm 30% GDP toàn cầu - được các chuyên gia đánh giá là cơ hội rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Đức Hiếu, RCEP sẽ tạo ra thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho hàng Việt Nam. Tuy nhiên, đường đi sẽ không bằng phẳng, do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với hàng hóa các nước cũng như không ít điểm yếu nội tại của doanh nghiệp trong nước (quy mô nhỏ, dây chuyền công nghệ chậm đổi mới…). Vì vậy, để tận dụng cơ hội, doanh nghiệp cần nhanh chóng áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Dù khó đạt mục tiêu 300 tỷ USD kim ngạch, song năm 2020 vẫn có thể coi là năm thành công của xuất khẩu. Hơn thế, việc duy trì xuất siêu đã tạo đà để nền kinh tế bước sang năm 2021 với những mục tiêu lớn hơn là khôi phục tăng trưởng nhanh ngay khi dịch bệnh được khống chế.
11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt 14,6 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 7,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5,5 tỷ USD, giảm 8%.