Chặn tội phạm giả cán bộ để lừa đảo
Pháp luật - Ngày đăng : 06:15, 06/12/2020
Thủ đoạn tinh vi
Bà V.T.T.T (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) kể, khoảng 9h30 ngày 20-11-2020, bà nhận được điện thoại của một người tự xưng là Trung tá Trần Hữu Bình, Đội trưởng Đội điều tra tội phạm. Người này yêu cầu bà nộp tiền để chứng minh... không liên quan đến một đường dây buôn ma túy. “Anh ta giục tôi phải chuyển tiền vào tài khoản do anh ta cung cấp”, bà V.T.T.T nói.
Trung tá Phạm Mạnh Cường, Trưởng Công an phường Quang Trung (quận Hà Đông) thông tin, nhận được tin báo, lực lượng Công an phường đã đến ngân hàng nơi bà V.T.T.T gửi tiết kiệm phối hợp xử lý vụ việc; đồng thời giải thích cho bà V.T.T.T biết đó là kẻ lừa đảo. “Tương tự là vụ việc xảy ra ngày 7-10 tại Phòng giao dịch Hà Đông của Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), qua làm việc với bà N.T.Đ (ở Thanh Oai), được biết bà đã nhận được cuộc điện thoại của người giới thiệu là cán bộ tòa án nói bà có liên quan đến một vụ án ma túy, yêu cầu chuyển 180 triệu đồng, nếu không sẽ bị bắt. Rất may, lực lượng công an biết thông tin và kịp thời giải thích phương thức lừa đảo, nên giao dịch chuyển tiền của bà N.T.Đ được dừng lại”, Thượng tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông nói.
Thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) cho thấy, từ ngày 17-6-2020 đến nay, toàn thành phố đã xảy ra 88 vụ việc tương tự như trên, với tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 67 tỷ đồng.
Theo Trung úy Thân Văn Pháp (Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội), các đối tượng thường dùng thủ đoạn đánh vào tâm lý lo sợ của người cao tuổi không muốn liên lụy đến các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia…
Trung tá Đào Trung Hiếu (Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an) phân tích, các đối tượng thường thông báo tới bị hại là đã có lệnh bắt của cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát và yêu cầu kê khai số tiền hiện có trong ngân hàng. Thậm chí, để tạo sự tin tưởng cho bị hại, các đối tượng dùng phần mềm giả mạo số gọi đến là số điện thoại của cơ quan nhà nước. Sau đó, dùng lời lẽ đe dọa rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng chỉ định với lý do xác minh nguồn tiền, phục vụ điều tra rồi chiếm đoạt.
Cùng chặn đứng hành vi phạm pháp
Từ tháng 6-2020 đến nay, các đơn vị thuộc Công an thành phố Hà Nội đã kịp thời ngăn chặn 41 vụ mạo danh cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát lừa đảo, thu hồi 17,8 tỷ đồng cho người dân. Điển hình là mới đây, Công an quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định khởi tố bị can với Nguyễn Tiến Phi (ở xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đối tượng dùng chiêu trò tự xưng là cán bộ cơ quan tư pháp của thành phố Hà Nội để yêu cầu người bị hại chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng đưa ra nhằm phối hợp điều tra.
Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy, số vụ việc bị phát giác là chưa đầy đủ do có bị hại không khai báo với cơ quan chức năng. Do đó, việc chủ động ngăn ngừa hành vi lừa đảo như trên cần sự vào cuộc từ nhiều phía.
Với hàng trăm chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn, Công an quận Thanh Xuân đã quán triệt Công an các phường dán cảnh báo tại các cơ sở này. Trung tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết, cảnh sát khu vực, trinh sát hình sự đến từng khu dân cư, chi nhánh ngân hàng để hướng dẫn cách thức nhận biết, đặt nghi vấn trong trường hợp người dân đến làm thủ tục chuyển tiền.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ) Đặng Văn Hồi cho biết, để cùng lực lượng công an góp phần ngăn chặn hành vi mạo danh lừa đảo, UBND phường đã dán cảnh báo ở khu vực công cộng và thông tin để người dân được biết… Đây cũng là cách được chính quyền cơ sở nhiều nơi áp dụng và đang phát huy hiệu quả.
Chị Nguyễn Thủy Tiên, Ngân hàng BIDV chi nhánh Hai Bà Trưng (quận Đống Đa, Hà Nội) thông tin: “Giao dịch viên chúng tôi được tập huấn tình huống, đặt câu hỏi khi gặp khách hàng có biểu hiện nghi ngờ. Khi có thông tin bên nhận tiền là cán bộ cơ quan tư pháp thì việc giao dịch sẽ được khéo léo làm chậm để xác minh”.
Các cơ quan tư pháp thành phố Hà Nội khuyến cáo, để làm việc với người dân, các đơn vị sẽ gửi trực tiếp giấy mời, giấy triệu tập và tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, đề nghị người dân báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý.