Tổ chức Y tế thế giới: Chỉ riêng vắc xin không thể đẩy lùi đại dịch Covid-19
Thế giới - Ngày đăng : 07:40, 06/12/2020
Mặc dù nhiều quốc gia đang háo hức đẩy nhanh tiến trình tiêm phòng vắc xin Covid-19 với hy vọng có thể sớm dỡ bỏ các quy định phong tỏa để bắt tay vào phục hồi kinh tế nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: Chỉ riêng việc triển khai tiêm phòng sẽ không thể đẩy lùi đại dịch và nhấn mạnh vắc xin không phải “viên đạn thần kỳ” để tiêu diệt Covid-19. Đồng thời, WHO kêu gọi thế giới tránh tự mãn, lầm tưởng rằng cuộc khủng hoảng sẽ qua đi khi các loại vắc xin phòng bệnh hiệu quả đang dần được tìm ra.
Thay vào đó, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp WHO Michael Ryan khẳng định, vắc xin chỉ là một công cụ quan trọng và sắc bén cho bộ công cụ cần thiết để đối phó với đại dịch này.
Cũng theo WHO, hiện có khoảng 51 loại vắc xin ngừa Covid-19 đang được thử nghiệm trên người, 13 trong số này đã đến giai đoạn thử nghiệm cuối trên quy mô lớn. Trong khi đó, còn khoảng 163 loại khác đang được nghiên cứu và phát triển.
Châu Âu
Châu Âu vẫn là điểm nóng về Covid-19 với tổng cộng 18.273.600 người có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, Nga và Pháp đều đã có hơn 2,2 triệu ca nhiễm, song hai nước có số ca tử vong cao nhất Lục địa già lại là Anh với hơn 61.014 ca, và Italia với 59.514 ca.
Mátxcơva đã bắt đầu triển khai tiêm vắc xin Sputnik V cho người dân thông qua hệ thống 70 cơ sở y tế, đánh dấu đợt tiêm chủng đại trà đầu tiên của Nga để ngăn ngừa Covid-19. Đối tượng ưu tiên là bác sĩ và nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên làm công tác xã hội.
Chính quyền thành phố đã thiết lập dây chuyền công nghệ và tổ chức tiêm chủng đồng bộ gồm kho bảo quản vắc xin Sputnik V, tủ lạnh và phòng lạnh để vận chuyển vắc xin với tổng chi phí khoảng 10 tỷ ruble.
Anh dự kiến sẽ vận chuyển vắc xin tới 50 địa điểm trên khắp lãnh thổ ngay trong cuối tuần này. London mong muốn có thể tiêm phòng cho hơn một nửa người dễ bị tổn thương từ nay tới cuối tháng 2-2021. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock bày tỏ kỳ vọng việc phê duyệt nhanh vắc xin Covid-19 và đưa vào triển khai sẽ giúp nước này sớm nới lỏng các lệnh phong tỏa trước khi tháng 3-2021 kết thúc.
Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao chưa từng có – 196 trường hợp trong 24 giờ qua. Tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại quốc gia nằm giữa hai lục đía Á - Âu này hiện ở mức 14.705 trường hợp.
Châu Á
Ấn Độ đứng đầu khu vực về số ca nhiễm Covid-19, với 9.636.849 ca. Iran đứng thứ hai với 1.028.986 ca nhiễm.
Trung Quốc đại lục có thêm 17 ca nhiễm mới, trong đó có 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số còn lại là các ca nhập cảnh.
Hàn Quốc cho biết, số ca nhiễm mới theo ngày đã giảm xuống dưới 600 ca/ngày, sau khi ghi nhận mức tăng trong một ngày cao nhất trong 9 tháng qua vào ngày 4-12 (629 ca).
Campuchia công bố áp dụng quy định mới về phòng dịch và cách ly đối với tất cả du khách nhập cảnh từ ngày 12-12. Theo đó, tất cả các du khách nhập cảnh nước này buộc phải cách ly 14 ngày và phải xét nghiệm ngay khi đến, đồng thời phải có giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế nước cư trú cấp và công nhận âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi đến Campuchia.
Quy định mới cũng tạm dừng áp dụng cơ chế bảo trợ cho các đối tượng là nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhân viên công ty, chuyên gia và nhân viên kỹ thuật nhập cảnh Campuchia dưới 14 ngày.
Indonesia công bố kế hoạch dự trù giường bệnh để điều trị cho các bệnh nhân trong trường hợp các ca lây nhiễm tăng 100%. Nếu các ca lây nhiễm tăng 20-50%, các bệnh viện sẽ tiếp tục hoạt động như hiện nay.
Tuy nhiên, nếu tăng 100%, Bộ Y tế Indonesia sẽ chuyển các khoa điều trị ngoại trú thành các phòng tạm dành cho bệnh nhân Covid-19. Trong kịch bản này, các bệnh viện sẽ hợp tác với quân đội và Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia để dựng các lều chăm sóc dã chiến trong khuôn viên bệnh viện dành cho các bệnh nhân Covid-19.
Châu Mỹ
Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới, với 14.950.964 ca, trong đó có tới 176.373 ca nhiễm mới.
Mexico ghi nhận 1.156.770 ca nhiễm và 108.863 ca tử vong. Tại Canada, trong số 402.569 ca nhiễm, có 12.496 ca tử vong.
Tại Nam Mỹ, Brazil ghi nhận 6.577.177 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 176.628 trường hợp tử vong. Argentina và Colombia đã ghi nhận hơn 1,3 triệu ca nhiễm và trên 37.000 ca tử vong. Các nước ghi nhận số ca nhiễm vượt mốc trên 550.000 còn có Peru và Chile.
Châu Phi
Nam Phi vẫn đứng đầu danh sách bị ảnh hưởng nhiều nhất châu lục này với 810.449 ca nhiễm và 22.067 ca tử vong. Tiếp đến là Morocco với 376.738 ca nhiễm.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.