Hà Nội đẩy mạnh kết nối giao thương
Kinh tế - Ngày đăng : 06:43, 06/12/2020
- Qua hoạt động giao thương do thành phố tổ chức, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối của Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã có cơ hội tìm hiểu thông tin thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Xin bà cho biết kết quả của hoạt động này thời gian qua?
- Thị trường nội địa luôn có vai trò quan trọng trong tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, hoạt động giao thương, kích cầu thị trường càng được đẩy mạnh. Từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố Hà Nội đã triển khai trên 20 hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm các địa phương tại Hà Nội; đã có hơn 400 sản phẩm mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, tiêu thụ; 786 chuỗi cung ứng nông sản của các tỉnh, thành phố cho thị trường Hà Nội được phát triển… Thông qua hoạt động kết nối giao thương, doanh nghiệp các địa phương đã tiêu thụ hơn 10.000 tấn nông sản thực phẩm, thủy sản dư cung do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội thường xuyên cung cấp danh sách nhà sản xuất ở các tỉnh cho hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố để các bên trực tiếp kết nối cung ứng sản phẩm, đặc biệt là trái cây, nông sản. Trung tâm còn hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên Trang thông tin nông sản an toàn thành phố Hà Nội; tại các sự kiện do thành phố tổ chức như: Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam, Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ; Hội chợ hàng Việt Nam…
- Có thể thấy, các hoạt động kết nối cung - cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp địa phương, đáp ứng hàng hóa cho thị trường Hà Nội. Bà đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Như đã nói, thông qua hoạt động kết nối giao thương, doanh nghiệp, hộ sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; ngược lại đơn vị phân phối có thêm lựa chọn nguồn hàng ổn định… Song hơn cả, hoạt động kết nối giao thương còn góp phần kích cầu thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Số liệu thống kê cho thấy, tháng 11-2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 35,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với tháng 11-2019. Tính chung 11 tháng năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 348,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 65,7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2019.
- Tuy nhiên, trong quá trình kết nối vẫn còn những bất cập cần khắc phục, bà có thể cho biết rõ hơn?
- Nhiều hộ, hợp tác xã sản xuất hàng hóa, nông sản vẫn theo tập quán truyền thống, thủ công, chưa bảo đảm tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì... Nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán... Nhiều sản phẩm mang tính thời vụ, chưa được quan tâm sản xuất, chế biến hoặc bảo quản để phục vụ cho việc cung ứng thường xuyên, lâu dài, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.
Thực tế qua hoạt động giao thương cũng cho thấy, vẫn còn nhiều đơn vị, hợp tác xã chưa chuẩn bị tốt thủ tục, điều kiện để tham gia kết nối với các kênh phân phối hiện đại. Đặc biệt, dù đã được thông tin về thị trường, song nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thực hiện theo khuyến cáo, sản xuất ồ ạt dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung, khó khăn trong việc kết nối, tiêu thụ...
- Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, xin bà cho biết thành phố sẽ triển khai những giải pháp gì?
- Hà Nội cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để đáp ứng nhu cầu đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Trong đó, thành phố ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa lợi thế, tạo điều kiện kết nối, tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm, chợ đầu mối, chợ truyền thống... Chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu doanh nghiệp chế biến có uy tín với các nhà phân phối, bán lẻ, các trung tâm thương mại, siêu thị Hà Nội nhằm kết nối, ký kết hợp đồng tiêu thụ dài hạn, vừa góp phần ổn định sản xuất, vừa bảo đảm nguồn cung hàng hóa còn thiếu vào thị trường Hà Nội phục vụ nhu cầu nhân dân Thủ đô, đặc biệt là các dịp lễ, Tết.
Bên cạnh đó, để khắc phục những bất cập, trong thời gian tới, các bộ, ngành sẽ hỗ trợ Hà Nội và các địa phương phát triển hệ thống hạ tầng thương mại; định hướng quy hoạch vùng sản xuất, qua đó, hạn chế việc nhiều địa phương cùng sản xuất một mặt hàng làm dư thừa nguồn cung.
- Trân trọng cảm ơn bà!