Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cơ hội từ RCEP
Kinh tế - Ngày đăng : 07:59, 06/12/2020
Ngay khi RCEP có hiệu lực, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế. 15-20 năm tiếp theo, Việt Nam sẽ xóa bỏ gần 90% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi đối tác xóa bỏ khoảng 92% số dòng thuế với Việt Nam.
Đánh giá về các thách thức từ RCEP đối với các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngành Da giày, túi xách nói riêng, ông Lê Xuân Dương, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo và công nghệ (Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam) cho rằng, thách thức cạnh tranh là không nhỏ bởi trong 15 nước tham gia RCEP có nhiều nước sản xuất và xuất khẩu da giày như: Trung Quốc, Hàn Quốc hay Thái Lan, Indonesia. Tuy nhiên, ông Lê Xuân Dương cũng lạc quan rằng: “RCEP tổng hợp những thuận lợi thương mại đã có từ các hiệp định thương mại song phương Việt Nam ký kết với 5 nước đối tác trước đó. Việc xuất khẩu đôi giày, chiếc túi từ Việt Nam sang Nhật Bản hay Hàn Quốc hiện đã có mức thuế bằng 0%, với RCEP giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động xuất khẩu”.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho hay, quy tắc xuất xứ là “điểm cộng” mà RCEP mang lại cho doanh nghiệp. Từ đó, giảm thời gian và chi phí cho các nhà xuất khẩu đồng thời tăng tỷ suất lợi nhuận và làm cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn trên các thị trường RCEP. Còn Giám đốc Hợp tác xã Thương mại, dịch vụ du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông (huyện Phú Xuyên) Đỗ Thị Kim Thông chia sẻ, việc ký kết RCEP tạo nên dòng chảy thương mại rộng lớn giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội xuất khẩu hàng hóa tới nhiều thị trường.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, tới đây hiệp hội sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nâng cao hiểu biết của các doanh nghiệp về RCEP. Tuy nhiên, để RCEP nhanh chóng đi vào đời sống ngay khi được thực thi, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội mong muốn cơ quan chức năng đẩy nhanh hơn nữa cải cách hành chính đồng thời hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền về hiệp định, tăng nguồn lực, vốn vay và tạo thuận lợi để triển khai các dự án RCEP.
Về phía cơ quan chức năng, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp sớm tiếp cận và khai thác tối ưu những cơ hội, thuận lợi mà RCEP đem lại, Sở sớm triển khai các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến hiệp định đến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời tổ chức các hoạt động hội thảo, tập huấn nhằm sớm đưa RCEP đến gần nhất với cộng đồng doanh nghiệp. Còn ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) thông tin, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam vào thị trường các nước RCEP; phát triển và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam…