Thi hành án hướng tới thực chất, bền vững
Đời sống - Ngày đăng : 07:17, 07/12/2020
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái cho biết, công tác thi hành án ngày càng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, số lượng việc và tiền phải thi hành án phát sinh không ngừng tăng, trong khi biên chế, kinh phí hằng năm vẫn bị tiết giảm. Để nâng cao hiệu quả, chất lượng thi hành án dân sự, năm 2020, toàn hệ thống thi hành án dân sự đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thí điểm phần mềm hỗ trợ trực tuyến về thi hành án dân sự.
Trên cơ sở kế hoạch đề ra và xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, toàn ngành đã thi hành xong gần 600.000 việc (cao hơn 1,41% so với chỉ tiêu được giao), tương ứng với số tiền thi hành án trên 260.000 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019. Trong đó, kết quả thi hành án đối với các khoản bị chiếm đoạt trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế chuyển biến rất tích cực với việc thi hành án xong trên 15.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% trong tổng số thi hành án xong của giai đoạn 2013-2019. Các vụ việc liên quan đến thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng cũng đạt được kết quả ấn tượng với việc thi hành án xong hơn 32.000 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với năm 2019.
Tuy nhiên, so với kỳ vọng, kết quả thi hành án đối với các khoản thu cho tổ chức tín dụng chưa cao. Hoạt động thi hành án tại một số cơ quan còn để xảy ra vi phạm, thiếu sót. Theo thống kê, năm 2020, toàn hệ thống có 63 trường hợp bị xử lý kỷ luật. Nhiều vụ việc có nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên, nhưng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, nguyên nhân chính là do việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao chưa tốt. Một số thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự có biểu hiện buông lỏng quản lý, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong điều hành. Vì vậy, để khắc phục, tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, thiếu sót, có biện pháp khắc phục ngay từ giai đoạn đầu khi tổ chức thi hành vụ việc là vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong quá trình triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2021.
Từ thực tế cơ sở, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội Lê Xuân Hồng cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong năm tới, cần tiếp tục chú trọng kiện toàn tổ chức, tăng cường đào tạo bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức trẻ để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, hạn chế xảy ra sai phạm.
Hiện nay, các vụ việc liên quan đến kinh tế, tham nhũng nhiều nhưng tỷ lệ thu hồi còn hạn chế, các cơ quan thi hành án dân sự phải chịu áp lực lớn về việc thực hiện chỉ tiêu. Về việc này, ông Lê Xuân Hồng cho rằng cần phát huy vai trò chủ động của lãnh đạo cục, các chi cục thi hành án dân sự trong công tác phối hợp liên ngành để kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh. Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác thi hành án dân sự nói chung và quy định về kê biên, cưỡng chế nói riêng để tạo thuận lợi cho chấp hành viên khi thực hiện nhiệm vụ.
Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên Trần Bình đề nghị có chế tài hiệu quả đối với những người phải thi hành án nhưng cố tình tìm cách trốn tránh, trì hoãn, đặc biệt là với trường hợp chống đối cơ quan chức năng quyết liệt.
Liên quan đến vấn đề này, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, Bộ Tư pháp đã hoàn thiện Đề án trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Mặt khác, toàn ngành đang triển khai, thực hiện rà soát đánh giá những khó khăn, vướng mắc của Luật Thi hành án dân sự để chuẩn bị tốt nhất cho việc tổng kết và xây dựng Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung; đúc kết kinh nghiệm để đưa kết quả công tác ngày càng thực chất và bền vững.