Thực hiện quy tắc ứng xử, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô

Chính trị - Ngày đăng : 13:50, 08/12/2020

(HNMO) - Chiều 8-12, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười tám, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, các đại biểu chuyển sang chất vấn nhóm vấn đề về tình hình và kết quả thực hiện hai quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố.

15:47 08/12/2020

Xác định rõ lộ trình thực hiện nhằm khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế 

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đã có 25 đại biểu đặt câu hỏi, trong đó có 14 đại biểu không phải là đại biểu chuyên trách (chiếm 56%) - nét mới tại kỳ chất vấn này của HĐND thành phố. 

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu tại hội trường có đại diện 4 sở, ngành; 7 quận, huyện, thị xã, trong đó có 3 lãnh đạo UBND quận, huyện, thị xã mới được phân công nhận nhiệm vụ; 3 lãnh đạo công an huyện, xã. Qua phần trả lời, giải trình, lãnh đạo các đơn vị, sở ngành đã cơ bản nắm rõ quy định của pháp luật cũng như các vấn đề cụ thể của ngành, địa phương mình quản lý. Ngoài ra, các câu trả lời đã đi thẳng vào vấn đề, không đùn đẩy, né tránh và đã nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế, thiếu sót của ngành, địa phương mình để từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục. 

“HĐND thành phố ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc của các đồng chí đối với công việc, nhiệm vụ được giao”, Chủ tịch HĐND thành phố nói.

Chủ tịch HĐND thành phố một lần nữa khẳng định, việc lựa chọn hai nhóm nội dung để chất vấn tại kỳ họp này là rất trúng, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn công tác quản lý nhà nước tại địa phương cũng như tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cử tri, nhân dân Thủ đô và các vị đại biểu HĐND. Đối với từng nội dung chất vấn, Chủ tọa đã có kết luận riêng; sau kỳ họp, Thường trực HĐND sẽ ban hành thông báo kết luận phiên chất vấn để làm cơ sở cho việc giám sát cũng như triển khai thực hiện. 

HĐND thành phố đánh giá cao đồng chí Chủ tịch UBND thành phố, mặc dù mới nhận nhiệm vụ nhưng đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, thúc đẩy thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế của thành phố theo thẩm quyền. Đặc biệt trong buổi giải trình hôm nay, Chủ tịch UBND thành phố đã lắng nghe, tiếp thu và phát biểu, giải trình rất chi tiết. 

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đề nghị UBND thành phố nghiêm túc tiếp thu và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, khẩn trương xây dựng kế hoạch với các giải pháp cụ thể, xác định rõ lộ trình thực hiện nhằm khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế được các đại biểu HĐND thành phố nêu.

15:21 08/12/2020

Tăng cường tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy tắc ứng xử

Theo Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, qua hơn 3 năm thực hiện, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã góp phần nâng cao văn hóa ứng xử, trang phục, nền nếp, tác phong, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của người dân ở nơi công cộng. Việc thực hiện các quy tắc ứng xử đã có tác động tích cực trong xây dựng, hình thành chuẩn mực văn hóa, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị còn chưa được chấp hành nghiêm túc, thường xuyên các quy tắc ứng xử. Việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng ở một số nơi còn mang tính hình thức, công tác tuyên truyền chưa được chú trọng...

Trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã siết chặt kỷ cương hành chính; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai các nhiệm vụ; tăng cường công tác tuyên truyền đi đôi với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất để việc thực hiện hai quy tắc ứng xử thực sự đi vào cuộc sống, trở thành nếp sống trong sinh hoạt, công tác hằng ngày của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân Thủ đô.

15:21 08/12/2020

Kiên quyết quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản 

Báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến chất vấn tại phiên họp thứ mười tám, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi lòng sông, UBND thành phố đã ban hành nhiều quyết định, trong đó có Quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy định quản lý, đấu giá hoạt động khai thác khoáng sản; phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 1... 

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến chất vấn tại phiên họp.

Hằng năm, UBND thành phố đều có kế hoạch và thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn do cơ quan quản lý tại địa phương cũng như Công an thành phố còn thiếu về nhân lực, phương tiện, bến bãi thu giữ tang vật cũng như chế tài xử phạt; luật định của các ngành liên quan chưa thống nhất...

Trong thời gian tới, UBND thành phố kiên quyết quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định; xây dựng phương án sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24-2-2020 của Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông để kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi theo đúng quy định; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và khai thác khoáng sản...

14:59 08/12/2020

Tiếp đó, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu, giải trình, làm rõ thêm một số nội dung tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhận được sự quan tâm của các đại biểu.

14:58 08/12/2020

Xây dựng chế tài xử phạt, áp dụng trước tiên với cán bộ, công chức, viên chức

Phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện hai quy tắc ứng xử, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đã có 6 đại biểu đặt câu hỏi và 7 ý kiến trả lời của đại diện các sở, ban, ngành, quận, huyện.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện hai quy tắc ứng xử.

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, sau khi hai quy tắc ứng xử được ban hành, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở rất tập trung. Thành ủy đã đề ra các chương trình, thành lập các đoàn đi kiểm tra; HĐND tiến hành các phiên giải trình. Qua kiểm tra, đánh giá, Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã được các cấp ủy triển khai nghiêm túc, hoạt động văn hóa được quan tâm, UBND các cấp đã bám sát kết luận của HĐND thành phố, nhiều nội dung được yêu cầu chú ý tại phiên giải trình lần trước đến nay đã có chuyển biến rõ nét. 

Về công tác tuyên truyền các quy tắc ứng xử, sau 2 năm, công tác tuyên truyền thực sự đã có chuyển biến tích cực, các cơ quan báo chí thực hiện rất quyết liệt... Nhờ đó, hai quy tắc ứng xử đã tạo chuyển biến lớn trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, mang lại sự hài lòng cho người dân. Công tác kiểm tra cũng có nhiều tiến bộ, HĐND thành phố và Sở Nội vụ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị đánh giá lại 4 năm thực hiện hai quy tắc ứng xử để thấy rõ hiệu lực, hiệu quả, giải pháp đã thực hiện, qua đó bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp. Sở Nội vụ cần nghiên cứu chế tài xử phạt các hành vi vi phạm quy tắc ứng xử; áp dụng trước tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức, tiếp đó là đến người dân với các hành vi vi phạm ở nơi công cộng. Đồng thời, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương cần phát huy hiệu quả vai trò của người dân và các đoàn thể, cơ quan báo chí trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

14:40 08/12/2020

Tình trạng đưa vật nuôi vào phố đi bộ đã giảm 

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ Đông Anh) nêu thực trạng thả rông vật nuôi, xả rác nơi công cộng vẫn diễn ra khá phổ biến ở quận Hoàn Kiếm, đặc biệt tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Đại biểu đề nghị lãnh đạo quận Hoàn Kiếm làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục.

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, qua theo dõi và phản ánh của cử tri, cao điểm là giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018, người dân tham gia không gian đi bộ có mang theo vật nuôi, trong đó có nhiều vật nuôi lớn, nguy hiểm.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long.

Sau phiên giám sát của HĐND thành phố vào tháng 3-2018, trước tiên, quận tập trung tuyên truyền, kiểm soát đối với các hộ dân có vật nuôi trên địa bàn, yêu cầu các hộ gia đình thực hiện tiêm phòng đối với vật nuôi và yêu cầu không mang vật nuôi đến không gian công cộng. Vào thời điểm đó, lực lượng chức năng áp dụng mức xử phạt 600.000-800.000 đồng/trường hợp vi phạm; đến năm 2020, Chính phủ ban hành quy định sửa đổi, nâng mức phạt lên 1-2 triệu đồng.

Trong năm 2020, quận tiếp tục tập trung cho công tác tuyên truyền, tổ chức các chốt kiểm soát tại các điểm vào không gian đi bộ, xử lý các hành vi vi phạm nên lượng vật nuôi được đưa vào phố đi bộ đã giảm rất nhiều. Từ đầu năm đến nay, quận đã xử phạt 10 trường hợp với số tiền hơn 5,8 triệu đồng. 

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin rộng rãi đến các cơ quan báo chí để nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện các quy tắc ứng xử; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Đến nay, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, lượng vật nuôi người dân mang vào phố đi bộ giảm đáng kể, chỉ còn một số người mang vật nuôi nhỏ. Nhận thức của người dân cũng tiến triển tốt, hành vi vứt rác đã giảm, ý thức giữ gìn thiết bị công cộng cũng tốt hơn... 

14:34 08/12/2020

Cần thêm nhiều điểm vui chơi, điểm đến văn hóa

Trả lời đại biểu Đỗ Thùy Dương về giải pháp “lấy xây để chống”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động kiến nghị thành phố tăng mức đầu tư cho lĩnh vực văn hóa tương xứng với vị thế, vai trò của văn hóa Thủ đô như xây dựng các nhà văn hóa ở xã, thôn; xây dựng thêm công viên; tôn tạo, tu bổ danh lam thắng cảnh... để Thủ đô có thêm nhiều điểm vui chơi, điểm đến văn hóa. 

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động.

"Khi các cháu học sinh cũng như người dân Thủ đô được sống vui vẻ, khỏe mạnh thì sẽ yêu đất nước, yêu Thủ đô, yêu nhau hơn, có nhiều hành vi đẹp hơn và qua đó chống các hành vi xấu hiệu quả hơn", Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao nói.

14:34 08/12/2020

Xử lý hơn 1.000 trường hợp thiếu văn hóa, vi phạm quy định về phòng, chống dịch

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Việt Cường (Tổ Mê Linh) về công tác phổ biến, triển khai các quy tắc ứng xử, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường cho biết, thời gian qua, quận đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền hai quy tắc ứng xử trong các bản tin của quận. Quận cũng thực hiện niêm yết quy tắc ứng xử tại bộ phận 1 cửa của quận, tại các bến xe, nhà văn hóa… Đến nay, 100% cán bộ, viên chức của quận cam kết thực hiện đầy đủ 2 quy tắc ứng xử. 

Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường.

Tại Bến xe Mỹ Đình, hai quy tắc ứng xử được niêm yết rõ ràng. Hành khách đến bến cơ bản tuân thủ, chấp hành các quy tắc về ứng xử nơi công cộng, quan tâm nhường nhịn người khuyết tật; không còn tình trạng tranh giành khách, chỗ ngồi...

Thời gian qua, kể từ khi có dịch Covid-19, quận đã xử lý hành chính với những người thiếu văn hóa khi không thực hiện đúng quy định về chống dịch; xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm với số tiền khoảng 200 triệu đồng.

14:23 08/12/2020

Có sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử

Thông tin thêm về công tác tuyên truyền các quy tắc ứng xử, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho rằng, để việc tuyên truyền hiệu quả, trước hết, chính các cơ quan báo chí phải thực hiện tốt các quy tắc này. Ngay sau khi các quy tắc được ban hành, tại Báo Kinh tế & Đô thị, bản quy tắc đã được treo tại sảnh cơ quan và tất cả các phòng, ban của tòa soạn. Báo đã quán triệt tới từng cán bộ, công nhân, viên chức thực hiện các quy tắc này. Sau 3 năm thực hiện, không có ai vi phạm quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp báo chí. 

Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức.

Về công tác tuyên truyền, Báo Kinh tế & Đô thị tập trung phản ánh những nét đẹp về ứng xử nơi công cộng, tôn vinh những nét đẹp nơi công sở, ngoài đường phố, đồng thời, có những tin bài chống thói hư, tật xấu, hành vi lệch lạc tại công sở, nơi công cộng, như: Thực hiện chùm ảnh về những vi phạm quy tắc ứng xử tại các nơi thờ tự; thường xuyên có bài viết, phóng sự ảnh về vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm trật tự đô thị... 

“Với quan điểm vừa xây, vừa chống, chúng tôi nhận thấy có sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử này, tại nơi công sở lẫn trên đường phố”, ông Nguyễn Minh Đức nhận định. 

Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị kiến nghị, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí tác nghiệp; sửa đổi, bổ sung quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, đưa vào quy tắc ứng xử; tuyên truyền các quy tắc ứng xử của thành phố đến người dân của các tỉnh, thành khác đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội...

14:17 08/12/2020

Báo chí Hà Nội vào cuộc sớm và truyên truyền hiệu quả quy tắc ứng xử

Trả lời chất vấn về vai trò, trách nhiệm của báo chí Thủ đô trong việc tuyên truyền hai quy tắc ứng xử, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội Tô Quang Phán cảm ơn đại biểu HĐND thành phố đã lần đầu tiên chất vấn lãnh đạo các cơ quan báo chí của thành phố, thể hiện sự đổi mới của hoạt động chất vấn. 

Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội Tô Quang Phán.

“Báo chí Hà Nội vào cuộc trong tuyên truyền thực hiện hai quy tắc ứng xử rất sớm với những kế hoạch cụ thể. Riêng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội xây dựng kế hoạch truyên truyền từng quý, từng tháng suốt từ năm 2017 đến nay. Việc tuyên truyền được tập trung đồng bộ hoặc lồng ghép rất hiệu quả qua các chuyên mục, chương trình như “Hà Nội góc nhìn”, “Tôi yêu Hà Nội”, “Sống ở Hà Nội”, “Hà Nội của chúng ta”...”, đồng chí Tô Quang Phán cho biết. 

Việc phối hợp giữa các cơ quan báo chí Hà Nội với các cơ quan chức năng, sở, ngành trong tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử cũng rất hiệu quả. Đặc biệt, ngoài tuyên truyền, các cơ quan báo chí còn phối hợp với đại diện của HĐND thành phố đi kiểm tra việc thực hiện tại nhiều đơn vị, xã, phường dưới hình thức “camera giấu kín”. 

Ngoài việc tuyên truyền, hằng năm, Hội nhà báo thành phố Hà Nội với hơn 1.000 hội viên đã tổ chức các cuộc thi hoặc vận động hội viên tham gia tích cực các cuộc thi báo chí do thành phố tổ chức, tập trung biểu dương, nhân lên những gương điển hình tiên tiến, những người có việc làm thiết thực, lan tỏa trong xã hội.

“Thời gian tới, báo chí Hà Nội sẽ tiếp tục cải tiến, không dừng lại ở kết quả tuyên truyền như hiện nay, mà tiếp tục đổi mới, sáng tạo, áp dụng các công nghệ mới để việc tuyên truyền hiệu quả nhất”, đồng chí Tô Quang Phán nêu. 

Nhóm phóng viên