Vững ngọn cờ đầu

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 09/12/2020

(HNM) - Năm năm qua, các phong trào thi đua yêu nước của thành phố Hà Nội được đổi mới về nội dung, phương pháp tổ chức theo hướng tập trung về cơ sở và người lao động trực tiếp, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, khâu yếu, việc khó. Đáng nói, nhiều phong trào thi đua với nội dung ngày càng thực chất hơn được triển khai đã góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của thành phố.

Nổi bật, phong trào thi đua yêu nước lĩnh vực kinh tế được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt trong bối cảnh năm 2020 dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng kinh tế Thủ đô vẫn tăng trưởng ở mức 3,98%, cao hơn khoảng 1,5 lần trung bình cả nước. Các phong trào thi đua: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “An toàn thực phẩm”, “Trật tự văn minh đô thị”…, được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp linh hoạt đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, hiệu quả. Hà Nội tiếp tục được Trung ương đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của cả nước. Một trong những yếu tố giúp các phong trào thi đua ngày càng hiệu quả, thực chất là do Hà Nội luôn chú trọng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Trong đó, việc biểu dương gương người tốt, việc tốt được các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức với nhiều hình thức mới, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để nhân lên những hành động, lối sống đẹp.

Bên cạnh mặt thuận lợi, dự báo tình hình trong nước và khu vực giai đoạn 2020-2025 còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến Thủ đô Hà Nội, đòi hỏi phong trào thi đua yêu nước cũng phải theo kịp tình hình. Trong đó, nổi bật là đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống với tinh thần "kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển", thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội... Trước hết, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ tốt cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến. Có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm và cả giai đoạn. Đẩy mạnh tuyên truyền về tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; biểu dương, nhân rộng “người tốt - việc tốt” trên các lĩnh vực. 

Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phát động các phong trào thi đua theo chuyên đề; sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua cả về nội dung, hình thức và phương thức tổ chức. Bên cạnh đó, việc đánh giá kết quả các phong trào thi đua và lựa chọn những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến cần được tiến hành kịp thời, thực chất; quan tâm khen thưởng các thành tích đột xuất…

Với mỗi công dân Thủ đô cũng cần xác định rõ việc tham gia các phong trào thi đua chính là biểu hiện của lòng yêu nước, mà trước hết là những phần việc gắn với cuộc sống thường nhật, như: Tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình; xây dựng ngõ, xóm nơi mình sinh sống luôn sáng, xanh, sạch, đẹp để ngăn ngừa dịch bệnh... Từng ngành, từng địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua với những nội dung cụ thể, thiết thực; qua đó động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, tạo nên các phong trào thi đua thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, là trách nhiệm, tình cảm của cả tập thể và mỗi cá nhân với Thủ đô, đất nước.

Phát huy truyền thống là cái nôi của nhiều phong trào cách mạng, Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu, sáng tạo, giữ vững ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua yêu nước của cả nước. 

Thế Đan